Thành phố chủ trương thực hiện phát hành trái phiếu nhằm đầu tư cho các công trình trọng điểm.
 


Hiện nay, so với nhu cầu vốn đầu tư của các dự án, công trình trọng điểm được phê duyệt như: Đường 5 kéo dài, đường vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái), dự án thoát nước Hà Nội, khu xử lý rác thải Nam Sơn, Bệnh viện Đức Giang, dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội… thì khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư mới đáp ứng được một phần.

Theo tính toán của thành phố, chỉ riêng dự án đường 5 kéo dài đã cần 1.100 tỷ đồng trong năm 2014; Dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng còn thiếu 610 tỷ đồng. Về vốn đối ứng phục vụ các dự án ODA, theo tiến độ năm 2014, tuyến đường sắt đô thị số 3 cần 380 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng…

Để hoàn thành các dự án công trình trọng điểm góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của thành phố, UBND thành phố đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bên cạnh việc sắp xếp, giãn tiến độ triển khai thực hiện các dự án thì việc huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện các dự án đầu tư phát triển được ưu tiên.

Năm 2005, UBND Thành phố Hà Nội thực hiện phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô lần đầu tiên để huy động vốn đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy. Năm 2013, Hà Nội đã huy động được 4.400 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu. Trong đó, có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư đến từ hệ thống ngân hàng thương mại như: BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank, MB, Liên Việt.

“Trong đợt phát hành tới, thành phố Hà Nội tính toán tới việc phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài hơn nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia đấu thầu”, ông Đào Thái Phúc nói./.
 

Theo Báo Hải quan

.