Ủy ban cũng phấn đấu năm 2018 triển khai đủ 130 thủ tục hành chính theo đúng Kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Cụ thể, cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành; thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt, Ủy ban cũng đề ra mục tiêu là năm 2018, chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra.

Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và đơn vị liên quan, xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN…

Về giải pháp kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ. Theo đó, thực hiện cắt giảm, giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, đồng thời tiến hành rà soát, loại bỏ 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành thuộc Bộ, ngành mình quản lý.

Ngoài ra, rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành; bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng nhập khẩu và theo người nhập khẩu; thu hẹp danh mục, số lượng mặt hàng phải kiểm tra tại khâu thông quan; chuyển mạnh sang hậu kiểm, hướng tới kiểm tra tại nguồn, công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra chuyên ngành.

Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành, khi ban hành danh mục phải kèm theo mã HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; phải công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra....

Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa, hợp tác theo hình thức PPP trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng: các Bộ, cơ quan nhà nước chỉ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn…và tập trung nguồn lực để thanh tra, kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro và hậu kiểm. Chuyển mạnh các hoạt động kiểm tra, thử nghiệm, phân tích, kiểm định cho các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước thực hiện.

Huyền Trang