Chiều 26/10/2016, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo với chủ đề “Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ”. Biết sự kiện này, ông Nguyễn Duy Hưng, người từng nhiều năm làm lãnh đạo tại một số ngân hàng thương mại và là một bạn đọc của VnEconomy, trao đổi thêm một góc nhìn bên lề.

 

 Theo góc nhìn của người trong cuộc này, khi nợ xấu trở thành cơ hội kinh doanh, tự thân thị trường sẽ hút các nguồn lực chảy vào đây - Ảnh: Đấu Thầu.
Theo góc nhìn của người trong cuộc này, khi nợ xấu trở thành cơ hội kinh doanh, tự thân thị trường sẽ hút các nguồn lực chảy vào đây - Ảnh: Đấu Thầu.


Từ hơn chục năm trước, tại nhiều hội thảo, diễn đàn về xử lý nợ xấu, ông Hưng từng phát biểu, nêu nhiều vướng mắc pháp lý trong khởi kiện, xử lý tài sản đảm bảo, thi hành án…

Đến nay nhìn lại, ông vẫn nản: “Cơ chế chính sách cũng có thay đổi, nhưng về cơ bản các vướng mắc vẫn vậy. Chúng ta cứ xoay quanh nó, rồi lại thêm dăm mười năm nữa may chăng được tháo gỡ thực sự để có thể giúp xử lý nợ xấu”.

Muốn, nhưng không sẵn sàng

Ba năm qua, ông Hưng tự bỏ tiền túi và huy động các nguồn ủy thác tham gia mua bán nợ. Những gì ông chia sẻ là đúc kết thực tế trong quá trình làm việc với các ngân hàng. Và vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu thời gian qua và hiện nay, theo ông, là quan điểm về nợ xấu và vấn đề trách nhiệm.

“Tôi làm việc với nhiều ngân hàng. Họ muốn bán nợ xấu, nhưng lại không sẵn sàng bán. Như trong chứng khoán, bán nợ xấu là hành động cắt lỗ. Ai dám cắt và chịu trách nhiệm cho phần lỗ đó? Thiệt hại từ nợ xấu là tổn thất của ngân hàng, nhưng trách nhiệm sẽ quy về cá nhân liên quan, người cho vay hoặc người bán nợ”, ông đặt vấn đề.

Theo ông, nợ xấu là hàng hóa, nhưng là hàng hóa giảm giá. Bởi nếu vẫn bán đúng giá ban đầu của nó thì không bao giờ bán được. Khi trở thành nợ xấu, giá hàng hóa này bị giảm. Thế nhưng, giả dụ, một khoản nợ 50 tỷ đồng, trở thành nợ xấu và chỉ bán được 30 tỷ đồng, 20 tỷ mất mát đó ai sẽ chịu trách nhiệm?

Trách nhiệm đầu tiên là những người cho vay, các cá nhân liên quan. Nếu bán, cắt lỗ và hiện thực lỗ, mất mát này sẽ quy trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp, có thể là trách nhiệm pháp lý - hình sự hóa các quan hệ dân sự, điều quan ngại nhất trong tâm lý những người làm ngân hàng những năm gần đây, theo nhìn nhận của ông Hưng.

Cũng chính vì quan ngại đó, thị trường mua bán nợ thực sự vẫn thiếu người bán, hàng hóa vẫn hạn chế và chưa hấp dẫn, chưa kích thích để tạo và thu hút những người đi mua. Xử lý nợ xấu bằng hướng này, bằng giải pháp thị trường, vẫn chưa phát triển.

An toàn cho người cắt lỗ?

Với góc nhìn đó, người trong cuộc này cho rằng, nguyên do chính khiến nợ xấu vẫn còn đó, vẫn cao vì đã không để hoặc chưa tạo được điều kiện để thị trường tham gia vào xử lý.

“Trong hoạt động ngân hàng, trong nền kinh tế, nợ xấu phát sinh là bình thường. Dù có nguyên nhân chủ quan, khách quan, có yếu tố tiêu cực, tích cực, nhưng nó là câu chuyện của thị trường và cần được xử lý bằng những giải pháp thị trường, tất nhiên là có sự vận hành của Nhà nước”, góc nhìn trên nêu quan điểm.

Theo đó, nợ xấu được xem là hàng hóa, một loại hàng hóa giảm giá. Nếu có người bán, giá giảm sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh, thị trường và nhà đầu tư sẽ không bỏ qua cơ hội đó. Những vướng mắc kỹ thuật trong xử lý nợ, được nêu lên cả chục năm qua, cũng sẽ phản ánh vào giá. Và khi nợ xấu trở thành cơ hội kinh doanh, tự thân thị trường sẽ hút các nguồn lực chảy vào đây.

Nhưng, như trên, vướng mắc chính vẫn là nỗi sợ trách nhiệm, khiến ngân hàng không sẵn sàng bán cắt lỗ để kích thích các nguồn lực trên thị trường tham gia vào xử lý nợ xấu.

Ý kiến trên cho rằng, sau khi Ngân hàng Nhà nước đã giảm sốc vấn đề nợ xấu đối với nền kinh tế bằng giải pháp VAMC, thì đến nay cần sử dụng rõ ràng hơn giải pháp của thị trường.

Trước vướng mắc của nỗi sợ trách nhiệm, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng Nhà nước cần khuyến khích các ngân hàng, các cá nhân liên quan đối diện với trách nhiệm tổn thất từ nợ xấu, qua chủ trương không hình sự hóa các quan hệ dân sự, tạo cơ chế an toàn cho các quyết định bán nợ xấu - cắt lỗ ở loại hàng hóa giá giảm này.

“Tôi tin rằng, nếu giải tỏa được vấn đề trách nhiệm ở đây, thị trường mua bán nợ sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn, việc xử lý nợ xấu sẽ nhanh và thực chất hơn. Dĩ nhiên, đây phải là quá trình xử lý công khai và minh bạch”, ông Hưng kỳ vọng.

 

Theo Minh Đức/VnEconomy

.