Giá vàng SJC giảm mạnh, USD tự do tăng tốc
Cập nhật lúc 12:18, Thứ hai, 01/07/2013 (GMT+7)
Hôm nay là ngày 1/7, ngày đầu tiên sau 30/6, thời điểm mà các ngân hàng phải tất toán xong trạng thái vàng. (DOJI, vàng SJC, tất toán trạng thái)
Hôm nay là ngày 1/7, ngày đầu tiên sau 30/6, thời điểm mà các ngân hàng phải tất toán xong trạng thái vàng.
Giá vàng quốc tế tăng nhẹ trong sáng nay, nhưng giá vàng SJC sụt mạnh về quanh ngưỡng 37 triệu đồng/lượng từ mức 38 triệu đồng/lượng vào cuối tuần. Giá USD tự do lên gần 21.500 đồng.
Lúc hơn 11h trưa nay, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,25 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm, giá vàng SJC theo báo giá của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 36,8 triệu đồng/lượng và 37,25 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và giá bán.
Sáng thứ Bảy tuần trước, giá vàng SJC bán ra đã lên mức 38 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu so với mức đỉnh của cuối tuần, giá vàng thương hiệu này hiện giảm 750.000-800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Giá mua vào vàng SJC cũng giảm 450.000-550.000 đồng/lượng so với sáng thứ Bảy.
Do giá bán giảm mạnh hơn giá mua nên chênh lệch giữa hai đầu giá được rút ngắn, còn 350.000-450.000 đồng/lượng. Tuần trước, khi giá sụt mạnh, khoảng cách giữa giá mua và bán vàng có lúc lên 1 triệu đồng/lượng.
Cuối tuần vừa rồi, lực mua vàng trên thị trường vẫn cao khi người dân thấy giá ngừng giảm và bật tăng mạnh, lo ngại bỏ lỡ cơ hội mua vàng ở ngưỡng giá 37-38 triệu đồng/lượng. Việc trần lãi suất huy động tiền gửi hạ xuống cũng có thể là một nguyên nhân khuyến khích người dân mua vàng nhiều hơn. Tuy nhiên, một số nhà kinh doanh vàng cho rằng, bỏ tiền để mua vàng ở thời điểm giá biến động mạnh hiện nay có thể có rủi ro.
Hôm nay là ngày 1/7, ngày đầu tiên sau 30/6, thời điểm mà các ngân hàng phải tất toán xong trạng thái vàng. Trước đây, nhiều dự báo cho rằng, chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới sẽ giảm sau mốc này.
Thực tế cho thấy, sáng nay, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi đã giảm xuống khi giá vàng “nội” giảm mạnh mà giá vàng quốc tế lại tăng.
Lúc hơn 11h giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng 7,1 USD/oz so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước tại New York, lên mức 1.243,4 USD/oz. Mức giá này quy đổi tương đương 32,2 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng trong nước đang cao hơn giá quốc tế quy đổi khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Cuối tuần trước, chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới là hơn 6 triệu đồng/lượng.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 21.420-21.430 đồng (mua vào) và 21.460-21.470 đồng (bán ra), tăng 60 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra so với sáng thứ Bảy.
Báo giá USD tại Ngân hàng Vietcombank sáng nay ở mức 21.140 đồng (mua vào) và 21.220 đồng (bán ra). Ngân hàng Eximbank báo giá USD ở các mức tương ứng lần lượt là 21.120 đồng và 21.230 đồng.
Trong quý 2 vừa qua, giá vàng thế giới đã giảm gần 25%, mạnh nhất kể từ năm 1968 theo dữ liệu của hãng tin Reuters. Tuần trước, giá vàng đã lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1.300 USD/oz trong gần 3 năm. Vàng đã bị bán tháo khi giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Giới phân tích dự báo, giá vàng có thể tạm ngừng giảm trong tuần này. Tuy nhiên, hầu như chưa ai dám khẳng định đợt giảm giá này của vàng đã chấm dứt và mở ra một đợt tăng giá mới.
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ công ty quốc doanh China National Gold của Trung Quốc cho biết, tiêu thụ vàng của nước này cả năm nay có thể vượt 1.000 tấn. Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc đã tiêu thụ 800 tấn vàng.
Tỷ giá Euro/USD tại Tokyo sáng nay phổ biến ở mức hơn 1,3 USD/Euro. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại New York lúc 11h30 giờ Việt Nam là 96,29 USD/thùng, giảm 0,27 USD/thùng so với đóng cửa phiên cuối tuần trước.
Theo An Huy
TBKTVN
.