Kỷ nguyên của chính sách nới lỏng tiền tệ đối với các nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo vẫn chưa chấm dứt sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa công bố quyết định tăng lãi suất tối 16/12 (giờ địa phương).

 


Sau khi thông tin FED tăng lãi suất được công bố, chứng khoán châu Á ngày 17/12 đã tăng mạnh.

Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) đóng cửa tăng 303 điểm (tương đương mức tăng 1,59%), đóng cửa giao dịch với 19.353 điểm. Những mã cổ phiếu của các tập đoàn tài chính như Mitsubishi UFJ, SMFG, Mizuho đều đóng cửa với mức tăng từ 0,77% đến 0,98%. Những cổ phiếu của các công ty xuất khẩu hàng hóa như Toyota, Nissan, Honda và Sony cũng tăng mạnh (từ 0,43-2,36%).

Chỉ số Kospi (Hàn Quốc) ngày 17/12 tăng 8,56 điểm (tương ứng mức tăng 0,43%), đóng cửa ở 1.978 điểm. Trong đó, các mã blue chip đóng cửa với nhiều kết quả trái ngược. Cổ phiếu của Samsung không giữ được đà tăng vào phiên giao dịch sáng 17/12, đóng cửa giảm 0,69% so với ngày giao dịch trước đó. Posco giảm 0,9% trong khi đó Hyundai tăng mạnh 1,63%.

Tại thị trường Úc, chỉ số ASX 200 tăng 74 điểm (tương ứng mức tăng 1,46%), đóng cửa ngày giao dịch 17/12 tại 5.102 điểm. Hầu hết cổ phiếu các nhóm ngành đều đóng cửa tăng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 1,53% so với ngày giao dịch 16/12, đóng cửa tại 3.570 điểm.

Đồng tiền Indonesia và Malaysia gặp “sóng” lớn

Đồng tiền chính thức lưu hành tại hai quốc gia Đông Nam Á này từ cuối năm 2014 đến nay đã liên tục mất giá so với đồng USD và động thái tăng lãi suất từ FED được dự báo sẽ tiếp tục khiến 2 đồng tiền này trượt giá mạnh. Chỉ trong năm nay, tỷ giá đồng USD/MYR đã tăng 24% và tỷ giá USD/IDR đã tăng 14%.

“Đây là 2 đồng tiền dễ bị tổn thương nhất sau quyết định tăng lãi suất của FED đặc biệt là thanh khoản USD và dòng vốn. Hai đồng tiền này được dự báo sẽ yếu đi trong năm 2016”, ông Mitul Kotecha, Giám đốc ngoại hối của Barclays tại châu Á, nhận định.

Việc đồng tiền mất giá còn do cả hai quốc gia trên đều có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn. Áp lực về giá nhiên liệu xuất khẩu của Indonesia và Malaysia dự báo sẽ càng tăng cao khi mùa Đông năm nay tại Mỹ được dự báo là khá ôn hòa.

Giá dầu tiếp tục rớt giá

Giá dầu tiếp tục chuỗi ngày u ám khi chỉ số dầu WTI giao dịch tại Mỹ đã giảm 11 cent (mức giảm 0,31%), chỉ còn 35,41 USD/thùng. Giá dầu WTI đã giảm gần 5% sau phiên giao dịch qua đêm. Giá dầu Brent cũng mất gần 20 cent (mức giảm 0,53%), chỉ còn 37,19 USD/thùng.

Cổ phiếu của các công ty khai thác và xuất khẩu dầu mỏ tại châu Á - Thái Bình Dương như Santos, Oil Search, Woodside Petroleum (Úc) giảm từ 0,87-1,77%. Các chỉ số về giá nhiên liệu tại Nhật Bản giảm từ 0,39-0,91%. Cổ phiếu các công ty nhiên liệu tại Hàn Quốc và Trung Quốc cũng giảm với mức giảm từ 0,64-2,2%.

 

Theo NTD

.