FED tăng lãi suất: 4 tác động chủ yếu đến kinh tế Việt Nam là gì?
Cập nhật lúc 19:47, Thứ năm, 17/12/2015 (GMT+7)
"Sắp tới đây NHNN có thể kéo lãi suất xuống thấp thậm chí âm, điều này nhằm hạn chế người dân giữ USD trong tài khoản..." (FED, tác động, NHNN, tăng lãi suất, kinh tế Việt Nam)
“Sắp tới đây NHNN có thể kéo lãi suất xuống thấp thậm chí âm, điều này nhằm hạn chế người dân giữ USD trong tài khoản..."
Ngày 16/12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chính thức công bố quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau gần 10 năm.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết điều này sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Hiện tại nhiều ngân hàng tỷ giá đã chạm kịch trần, nhiều ngân hàng ngưng giao dịch, không thể bán hay mua trên mức đó. Ông dự báo từ nay đến cuối 2016 Fed có thể điều chỉnh lãi suất 4 lần, tăng lãi suất lên 1,25 - 1,5%.
Ông cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường vốn. Cụ thể sẽ làm tất cả tài sản được định nghĩa trên đồng USD tăng giá trị, như thế sẽ tạo sự dịch chuyển vốn từ các nền kinh tế mới nổi trong đó có Trung Quốc, Việt Nam vào các thị trường sử dụng USD, trong đó có Mỹ.
“Dòng vốn ngoại rất quan trọng với thị trường Việt Nam, vừa qua cũng đã có một số nhà đầu tư ngoại đã bán tài sản của họ, rút khỏi Việt Nam. Nên sắp tới đây chúng ta phải xem dòng vốn ngoại có được duy trì ở Việt Nam hay không”, ông Hiếu nói.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng rõ ràng với thế giới, việc tăng lãi suất này sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường vốn và cả tỷ giá cũng như chi phí đi vay và huy động vốn của USD tại thị trường nước ngoài cũng như nợ nước ngoài của nhiều nước
Tại Việt nam có 4 tác động cơ bản đã được dự đoán. Thứ nhất là tác động mạnh mẽ mạnh mẽ hơn đến tỷ giá đồng Việt Nam. Một số nước đã điều chỉnh tỷ giá trong những ngày vừa qua khi họ chờ đón về việc tăng lãi suất này của Fed. Từ nay đến cuối năm đên đầu năm tới thậm chí là cả năm 2016, áp lực tỷ giá lên đồng Việt Nam là rất lớn.
Tác động thứ hai là nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng lên do cấu trúc nợ của chúng ta liên quan nhiều đến đồng USD. Khi lãi suất đồng USD tăng có thể sẽ khiến lãi suất hoặc tỷ giá một số đồng tiền khác (ví dụ euro) giảm, do đó tác động chung về nợ nước ngoài sẽ không lớn, song lãi suất USD tăng sẽ khiến lãi suất vay nợ nước ngoài nhìn chung sẽ tăng lên. Cũng như vậy, nợ của DN vay bằng USD trong và ngoài nước sẽ tăng, làm chi phí vốn vay của DN trở nên đắt đỏ hơn.
Tác động thứ ba là câu chuyện về dòng vốn đầu tư. Dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển về những nước có tỷ lệ rủi ro thấp hơn ví dụ như Mỹ hay các khu vực Châu Âu. Rõ ràng, dòng vốn đầu tư vào những thị trường mới nổi cũng đang quay về và đây sẽ là những xu hướng còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Với chúng ta, đặt ra câu chuyện quản lý dòng vốn đầu tư phải ra vào như thế nào cho hiệu quả và hợp lý.
Và cuối cùng mới đây đồng nhân dân tệ đã được đưa vào rổ tiền tệ thế giới. Do đó, việc Fed tăng lãi suất cùng với sự kiện trên sẽ làm cho chính sách tiền tệ của Trung Quốc năm tới sẽ rất linh hoạt, đòi hỏi NHNN phải bám sát động thái thị trường thế giới, nhất là chính sách tiền tệ của Mỹ, Trung Quốc để có những điều chỉnh kịp thời.
Ts. Cấn Văn Lực cho rằng năm 2016, áp lực với tỷ giá rõ ràng là rất lớn và NHNN cần theo dõi sát thị trường, cần điều chỉnh linh hoạt. Nên nới biên độ giao dịch thêm nữa so với mức 3% như hiện nay.
Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng sắp tới đây NHNN sẽ có biện pháp để giải quyết vấn đề này. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng NHNN có 4 cách để xử lý tình huống.
Thứ nhất, NHNN tiếp tục bán ngoại tệ ra thị trường để cân bằng cung cầu. Tuy nhiên ông cho rằng dự trữ ngoại hối của NHNN cũng có giới hạn, nên không thể bán mãi được.
Công cụ thứ hai là NHNN có thể dùng thông tư, quy định hành chính để điều chỉnh mà vừa qua, NHNN cũng đã có 2 thông tư quan trọng là đẩy lãi suất tiền gửi USD xuống còn 0,25% cho cá nhân và 0% cho doanh nghiệp.
“Sắp tới đây NHNN có thể kéo lãi suất xuống thấp thậm chí âm, điều này nhằm hạn chế người dân giữ USD trong tài khoản. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này cũng sẽ có những tác động mà chúng ta cũng chưa thể lường hết được.
Công cụ nữa mà vừa qua, NHNN cũng đã tiến hành là triệu tập các ngân hàng lớn để hỗ trợ NHNN. Tuy nhiên ông cho rằng công cụ này cũng có giới hạn bởi thực chất các Ngân hàng là làm ăn kinh doanh, phải làm ăn có lời.
Công cụ thứ tư mà NHNN có cam kết ko điều chỉnh tỷ giá sang đến đầu năm nhưng chi phí này lớn vì ngân hàng phải bán ngoại tệ ra thị trường. và nếu thị trường tự do biến động sẽ chênh giữa thị trường chính thức và tự do. NHNN sẽ xử lý thế nào.
“Tôi mong 2016, chính sách của ngân hàng về tỷ giá nên linh hoạt hơn, không nên neo ở mức nào, không nên có những cam kết cứng. Biến động tiền tệ 2016 trên thế giới chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như giá dầu xuống mức thấp, với những biến động từ đồng NDT, Fed tăng lãi suất…đưa thế giới vào sự chao đảo nên chúng ta cần sự linh hoạt để ứng phó với biến động đó”, ông Hiếu nói.
Theo Infonet
.