Thị trường ngoại tệ biến động trong vài ngày qua khiến không ít người dân nắm giữa và có nhu cầu chịu thiệt hại. Đặc biệt, những ai nắm giữ Euro đã cảm nhận được thiệt hại từ khủng hoảng nợ Hy Lạp bên trời Tây.
 


Đồng euro mất giá, trong khi đó khiến hàng loạt những DN và cá nhân buôn hàng từ châu Âu về đạt được lợi nhuận cao hơn. Người dùng hàng từ khu vực đồng tiền chung euro mua hàng hóa với giá rẻ hơn khá nhiều.

Đồng euro mất giá so với đồng USD và nhiều đồng tiền khác, trong đó có VND không còn là hiện tượng. Đó là một xu hướng kéo dài trong cả năm qua và có thể còn tiếp diễn do nền kinh tế Liên minh Châu Âu (EU) gặp nhiều khó khăn còn đồng USD trong khi đó tăng giá

EU hiện đang gặp một khó khăn rất lớn đó là nguy cơ phá sản của Hy Lạp. Ngày 30/6 là hạn cuối để Hy Lạp thanh toán khoản nợ 1,5 tỷ euro trong tổng khoản nợ hơn 320 tỷ euro cho các chủ nợ (trong đó có các thành viên EU, ECB và IMF). Tuy nhiên, quốc gia này hiện không có một kế hoạch trả nợ nào. Nó cũng đồng nghĩa với việc, NHTW khu vực sẽ không bơm tiền hỗ trợ đất nước này.

Hy Lạp hiện tại đang chờ kết quả từ cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7. Nếu không người dân không chấp thuận, Hy Lạp sẽ phải tuyên bố phá sản và có thể phải rời EU. Điều này đồng nghĩa với hàng loạt các chủ nợ sẽ mất tiền. Đồng euro có thể sẽ tiếp tục lao dốc.

Ngược lại, nếu Hy Lạp chấp thuận. Các nước EU khác cũng như EC và IMF sẽ tiếp tục phải gồng mình bơm tiền cứu trợ đất nước này. Gánh nặng tất nhiên vẫn sẽ đè lên đồng euro vốn vẫn đang rất yếu kém.

Ở chiều ngược lại, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục (0-0,25%) trong tháng 9, tháng 12 hoặc đầu năm tới. Đồng USD theo đó sẽ có thêm động lực để tăng giá so với các đồng tiền khác trong đó có euro. Quyết định gia hạn trừng phạt lên Nga sang tới năm 2016 của EU cũng khiến kinh tế khu vực gặp thêm khó khăn và gây áp lực giảm giá lên đồng tiền khu vực này.

Với đồng yen, hàng loạt các dự báo có uy tín hồi đầu năm đều cho rằng, đồng tiền của Nhật sẽ tiếp tục mất giá so với đồng USD trong năm 2015 do chính sách tài chính trái ngược nhau của Nhật và Mỹ.

Dù sao, sự hỗn loạn trong trên thị trường tài chính thế giới vài ngày gần đây khiến không ít các đơn vị buôn bán ngoại tệ đưa ra các phương án an toàn, kéo chênh rộng giá mua bán các loại ngoại tệ trong đó có yen Nhật để đảm bảo an toàn và kiếm lợi.
 

Theo VEF

.