Khi ông Nguyễn Xuân Sơn bị bắt vì những sai phạm thời làm Tổng Giám đốc OceanBank cùng với số phận của ông Phạm Công Danh, Tạ Bá Long mới thấy ngân hàng là cuộc chơi đầy rủi ro.

 


Bài học quản trị

Khi OceanBank bị mua lại với giá 0 đồng, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đầu tư tại PVN khi để thất thoát vốn đầu tư. Nhìn lại một thời, người ta sẽ thấy các tập đoàn đua nhau lập NH, công ty tài chính, biến NH trở thành một cơ sở hậu thuẫn cho mình.

Điểm sơ sơ, ta có thể thấy sự “mặn nồng” một thời khi Vietnam Airlines thì ưa thích dịch vụ của Techcombank, TKV (Vinacomin) thì thích sử dụng dịch vụ của của SHB, EVN “ưa chuộng” Ngân hàng An Bình, Tập đoàn Xăng dầu thì ưu đãi cho PG Bank đến mức cho lắp đặt tại các cây xăng thuộc hệ thống bán lẻ của mình những post quẹt thẻ Flexible Card của NH, còn khối quân đội thì luôn khuyến khích sử dụng dịch vụ của MBBank…

Các tập đoàn góp vốn đương nhiên phải cử người tham gia HĐQT. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia: với hoạt động NH, cử người vào HĐQT nhưng chưa có kinh nghiệm NH là điều cực kỳ nguy hiểm. Không hiểu quy chế cho vay, không am hiểu về lĩnh vực khách hàng kinh doanh mà anh lại tham gia hội đồng tín dụng, bỏ phiếu biểu quyết cho vay hay không cho vay thì đương nhiên là quyết định nó không thể chính xác, dễ biến thành hình thức, để hợp pháp hóa các chủ trương cho một số người.

Và trong trường hợp này, câu chuyện của ông Trần Xuân Giá trong vụ Bầu Kiên là một điển hình.

Cổ đông lớn cũng cử người tham gia Ban Kiểm soát. Tuy nhiên, chế độ không chuyên trách, một quý mới họp Ban Kiểm soát một lần. Rồi Ban Kiểm soát không có quyền lực thực sự, hoạt động không hiệu quả.

Một vấn đề nổi cộm là mối quan hệ giữa chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. Một thời, NHNN rất quyết liệt với vấn đề không để những người có mối quan hệ gia đình đồng thời cùng nắm giữ các vị trí quan trọng tại NH. Tuy nhiên, qua tham khảo một số ngân hàng thì ba người cùng mang họ Phương đang nắm giữ Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và Thành viên chuyên trách Ban Kiểm soát.

Mà không nắm giữ song song 2 chức vụ Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc thì họ có thể giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc thứ nhất, Phó Tổng Giám đốc thường trực, thậm chí Phó Tổng Giám đốc nhưng được ủy quyền của Hội đồng Quản trị còn cao hơn cả Tổng Giám đốc.

Điều đặc biệt, trong các vụ thâm tóm ngược, sáp nhập ngược thì lại thấy lãnh đạo của NH bé hơn, kinh doanh bết bát, thua lỗ, nợ xấu lớn lại quay ngược lại tham gia HĐQT, Ban Điều hành của NH lớn, sức khỏe tốt. Với “thành tích” trong quá khứ thì không hiểu vấn đề sẽ đi về đâu.

Đây rõ ràng là những bài học quản trị mà ai cũng biết nhưng để xử lý nó thì vướng trên vướng dưới nên mãi vẫn không thể triệt để.
 

Theo VEF

.