Từ sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, nhiều ngân hàng đã bước vào cuộc “đua” tăng lãi suất huy động. Trước tiên, lãi tăng ở những kỳ hạn dài (trên 1 năm), sau đó các kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống cũng tăng theo.

 


Các ngân hàng đưa ra nhiều lý do lý giải cho việc tăng vốn, ở góc độ người vay, doanh nghiệp đang hồi hộp lo lắng lãi suất vay sẽ tăng theo nếu cuộc đua lãi suất huy động không dừng lại.

Thi nhau tăng lãi huy động

Gần đây, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn ở hầu hết các kỳ hạn từ 1-13 tháng với mức tăng từ 0,2-0,6%/năm. Sacombank vừa tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 5,8%/năm, các kỳ hạn từ 12-18 tháng tăng lên 6,6%/năm. Viet Capital Bank cũng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm online 1-2 tháng lên 5,45%/năm và kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đến 7,5%/năm... Không chỉ các ngân hàng nhỏ, ngay các ngân hàng lớn như VietinBank cũng nhập cuộc với mức tăng từ 0,2 - 0,8%/năm cho các kỳ hạn từ 3-36 tháng. BIDV đã tăng lãi suất kỳ hạn 3 tháng lên 5,5%/năm, từ 6-9 tháng lên 5,8%/năm. Trước đó, Vietcombank cũng tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn từ 2, 3 và 6 tháng lên lần lượt 4,8%, 5% và 5,4%/năm; kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng lên 6,5%/năm… Thực tế, một số ngân hàng nhỏ đã trả đến gần 8%/năm cho nhiều khoản gửi, tùy vào số tiền và kỳ hạn.
 

Nguồn vốn cho vay tại Vietcombank chi nhánh Đồng Nai khá dồi dào nên không tăng lãi suất vay dù huy động vốn có tăng.
Nguồn vốn cho vay tại Vietcombank chi nhánh Đồng Nai khá dồi dào nên không tăng lãi suất vay dù huy động vốn có tăng.


Theo đại diện của một số ngân hàng, việc tăng lãi suất huy động vốn có 2 mục đích: thu hút thêm nguồn vốn đang thiếu hụt và tăng theo xu thế thị trường để giữ chân khách hàng. Với các ngân hàng nhỏ, tăng lãi suất với nguồn vốn huy động ở hầu hết các kỳ hạn nhằm bù lại nguồn vốn cho vay đang thiếu hụt. Những ngân hàng lớn tăng theo xu thế chung, giữ mức lãi suất để không quá chênh lệch với các ngân hàng khác.

Hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 3 tháng đầu năm 2016 tăng chưa đầy 1%. Như vậy so với lạm phát, người gửi tiền đang có lợi khá lớn. Ở mức lãi suất tiền gửi trung bình từ 6-7%/năm thì mức chênh giữa lạm phát và lãi suất đang nằm ở 5-6%/năm, được đánh giá là khá hấp dẫn và có lợi cho người gửi tiền.

Lãi vay: chỗ tăng, chỗ giữ
 

Theo nhiều ngân hàng, nhóm các ngân hàng nhỏ có khả năng sẽ tăng lãi vay trong thời gian tới, riêng nhóm ngân hàng lớn sẽ giữ nguyên hoặc tăng rất ít, vì hiện tại lượng vốn cần cho vay ra vẫn rất dồi dào.

Ông Phạm Thành Vinh, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đồng Nai, cho biết: “Từ ngày 21-3, Vietcombank điều chỉnh lãi suất huy động vốn vay tăng từ 0,3-0,5%/năm với vốn huy động ngắn hạn và trung dài hạn. Việc huy động vốn với lãi suất tăng nhẹ là để cạnh tranh với các ngân hàng khác chứ nguồn vốn của Vietcombank vẫn dư dả. Do đó, dù lãi suất huy động vốn tăng nhưng cho vay khách hàng không tăng lãi suất”. Hiện Vietcombank chi nhánh Đồng Nai huy động được hơn 9.300 tỷ đồng, cho vay khoảng 8.500 tỷ đồng nên ngân hàng này vẫn đang tìm những khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện để cho vay với mức lãi suất được cho là thuộc nhóm rẻ nhất.

“Do lãi suất huy động tăng từ 0,2-0,6%/năm nên tới đây ACB cũng có điều chỉnh lãi suất tăng nhẹ với những khách hàng vay vốn mới. Còn những khách hàng vay vốn từ trước sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất như đã ký hợp đồng, nhưng mức tăng không đáng kể nên ít ảnh hưởng đến khách hàng. Tuy nhiên, những khách hàng tốt lãi suất cho vay có thể sẽ vẫn giữ nguyên hoặc giảm nhẹ” - ông Huỳnh Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) chi nhánh Đồng Nai, nói. Ông Kiệt chia sẻ thêm, nguồn vốn cho vay tại ACB chi nhánh Đồng Nai hiện vẫn khá dồi dào, không lo thiếu.

Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH An Phú Thịnh (TP.Biên Hòa), nói: “Để có đủ nguồn vốn sản xuất, xuất khẩu, công ty có vay vốn tại Vietcombank và BIDV. Hiện vốn vay tại Vietcombank lãi suất vẫn giữ nguyên và phía ngân hàng này cũng chưa có thông báo sẽ tăng. Còn vốn vay tại Ngân hàng BIDV có tăng nhẹ không đáng kể nên doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng”.

 

Theo Báo Đồng Nai

.