Trở thành công ty đại chúng và lên sàn là mục tiêu hầu hết doanh nghiệp nhằm huy động vốn phát triển, nâng cao các chuẩn mực về quản trị, tính minh bạch và chuyên nghiệp trong công bố thông tin. Nhưng giờ nhiều công ty xin huỷ niêm yết để trở lại mô hình công ty gia đình, bảo vệ quyền lợi cục bộ khi mà trên sàn đầy rủi ro.
 

Chợ chứng khoán kém hấp dẫn khiến doanh nghiệp trên sàn khó thực hiện các mục tiêu. Ảnh: Lê Quang Nhật
Chợ chứng khoán kém hấp dẫn khiến doanh nghiệp trên sàn khó thực hiện các mục tiêu. Ảnh: Lê Quang Nhật


Khi sàn chứng khoán không thật sự trở thành sân chơi của doanh nghiệp thì rời sàn là tất yếu. Cho dù nhìn dưới góc độ nào cũng là sự nghịch lý mang lại thất bại chung cho toàn thị trường. Số doanh nghiệp rời sàn chứng khoán từ đầu năm đến nay xấp xỉ con số của cả năm 2012, trong khi số cổ phiếu mới lên sàn nhỏ giọt trong tình hình sàn chứng khoán ngày càng khan hiếm hàng hoá mới có chất lượng. Tính đến ngày 17.5, có 18 cổ phiếu huỷ niêm yết, tương đương con số của cả năm 2012, là năm có số doanh nghiệp huỷ niêm yết cao kỷ lục. Trong khi đó thị trường chỉ có thêm bảy cổ phiếu mới lên sàn, thấp hơn nhiều nếu so với số 29 của năm 2012, dù con số năm 2012 đã giảm đến 50% so với năm 2011.

Rời sàn cùng lý do với… lên sàn!

Đa số doanh nghiệp rời sàn vì kết quả kinh doanh nhiều năm thua lỗ buộc phải huỷ niêm yết. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp làm ăn tốt tự nguyện rời bỏ cuộc chơi. Mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp niêm yết là mở ra kênh huy động vốn, thì nghịch lý lớn nhất hiện nay là nhiều công ty xin rời sàn để… huy động vốn. Thậm chí trước đó còn có doanh nghiệp xin rời sàn để “khoá room ngoại” vì quy định bất cập về lĩnh vực kinh doanh nên không thể thu hút vốn và mở rộng hoạt động.

Trong một công văn gửi sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, ông Lê Văn Quang, chủ tịch HĐQT công ty thuỷ sản Minh Phú (MPC) cho biết việc xin huỷ niêm yết là để tái cấu trúc. Trong ba năm qua, dù thị trường khó khăn thị giá MPC vẫn dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu, ở mức cao so với thị trường chung nhưng cũng chỉ bằng phân nửa giá chào mua của đối tác CP Foods. Quy định về biên độ dao động 5 – 7% đối với cổ phiếu giao dịch trên sàn là một nguyên nhân lớn khiến việc phát hành cổ phiếu MPC không thành công và phá vỡ ý định mua 40% cổ phần của đối tác CP Foods.

Lý do xin rời sàn đã được công ty cổ phần Gò Đàng (AGD) công bố là sau ba năm niêm yết mục tiêu huy động vốn không đạt dù giá cổ phiếu AGD luôn ở mức cao (thị giá ngày 16.5 là 56.500 đồng). AGD muốn rời sàn để huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, hiện đang vướng room theo quy định tại doanh nghiệp niêm yết là 49% trong khi đối tác muốn sở hữu trên 50%. Động thái rời sàn của AGD gắn liền với Panga Holdco thuộc quỹ Navis Capital (Malaysia), cuối năm ngoái quỹ này đã chi 26,5 triệu USD mua 8,8 triệu cổ phiếu AGD, nâng tỷ lệ sở hữu tại AGD lên xấp xỉ 49%.

Đằng sau những nguyên nhân công bố rời sàn có thể còn nhiều điều để phân tích, nhưng tựu trung vẫn là sự kém hấp dẫn của chợ chứng khoán và tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều công ty niêm yết thất bại. Trước đây doanh nghiệp luôn “khoe” tư duy cầu thị, lên sàn nhằm tìm sân chơi không chỉ để thu hút vốn mà còn cọ xát với thị trường, công chúng, tái cấu trúc để có hệ thống quản trị minh bạch. Đến khi rời sàn cũng với lý do trái cấu trúc và việc huỷ niêm yết trong nhiều trường hợp đang có lợi hơn ở lại sàn chứng khoán.

Trở về công ty gia đình

Sau khi xin huỷ niêm yết tự nguyện, chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải cho biết dự tính sau khi rời sàn, cổ phiếu của các cổ đông nhỏ lẻ sẽ được mua lại để đưa ALP trở về công ty gia đình. Trả lời một tờ báo, ông Hải cho rằng khi chuyển thành công ty gia đình lời lỗ bao nhiêu tự hưởng và tự chịu và để giảm áp lực bên ngoài. Cần 3 – 5 năm để tái cấu trúc lại hoạt động của các công ty và cần thời gian để đưa các công ty trở lại hoạt động hiệu quả.

Có thể nói ALP là một mô hình phát triển nhanh chóng và đầu tư vào nhiều mảng thị trường, sự tiến triển ngoạn mục đi liền với thành công lẫn thất bại, trong đó có nguyên nhân từ khó khăn chung của thị trường. Trong vòng năm năm 2007 – 2012, tổng tài sản ALP tăng gần bốn lần, lên 3.483 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu tăng hơn ba lần, lên gần 2.000 tỉ, trong khi lợi nhuận từ mức 148 tỉ đồng năm 2007 thì đến năm 2012 lỗ sau thuế hơn 154 tỉ đồng. Hai năm nay cổ phiếu ALP vẫn giao dịch quanh mức 8.000 đồng, sau thông tin xin rời sàn đã rớt dần, chốt phiên 16.5 về mức 3.600 đồng.

Điểm lại những mã chứng khoán bị huỷ niêm yết hay tự nguyện rời sàn đều có “số phận” riêng, tốn nhiều công sức của các nhà phân tích, từ TRI, MKP, SJS, SDJ, SDS, VSP, VES, IFS, VFC, SDJ… Hiện hơn 40 công ty nằm trong diện cảnh báo đặc biệt tại sàn Hose, đa số do kết quả kinh doanh xấu, số cổ phiếu bị huỷ niêm yết sẽ còn tăng lên. Cùng với đó thì số doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn lên sàn ngày càng giảm trong khi các doanh nghiệp làm ăn tốt không mặn mà niêm yết. Doanh nghiệp lên sàn buộc phải chấp nhận quy luật đào thải nhưng sự khắc nghiệt của thị trường chứng khoán hơn mười năm qua còn là thiếu sản phẩm mới, trạng thái thông tin thiếu minh bạch. Tình hình kinh doanh khó khăn, mục tiêu huy động vốn không khả thi lại phải đối phó với rủi ro và khủng hoảng, hình ảnh công ty dễ bị tổn thương.
 

Theo Tuyết Ân
Sgtt.vn