(BVPL) - Theo các Tổ chức quốc tế và trong nước, khả năng vỡ nợ của Việt Nam là khá thấp, song trên thực tế, nợ công đang là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trung tâm nghiên cứu BIDV cho rằng, Việt Nam cần xem xét xét thành lập Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công (trực thuộc Quốc hội). Trong khi đó, Bộ Tài chính cần đưa ra văn bản hướng dẫn thi hành Luật về nợ công, quản trị rõ ràng; xây dựng hệ thống quốc gia về khai báo các khoản vay.
Nợ cao, hiệu quả… thấp
Trong giai đoạn 2011- 2015, nợ công gia tăng nhanh chóng với mức 16,7%/năm. Theo đó, cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2.608 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1.393 nghìn tỷ đồng). Về số tương đối, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội. Theo nhiều chuyên gia, quy mô nợ công thực tế có thể đã cao hơn so với mức công bố do cách thức xác định nợ công của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế uy tín có sự khác biệt.
Theo thông lệ quốc tế, ngưỡng nợ công tối ưu (nhằm đảm bảo nợ công là động lực giúp tăng trưởng kinh tế) thông thường cho các nước phát triển là 90%, các nước đang phát triển có nền tảng tốt là 60% và có nền tảng kém là 30-40%. Vì vậy, mức ngưỡng nợ công/GDP được Quốc hội đề ra là 65% là phù hợp với thông lệ quốc tế; và việc vượt ngưỡng tối ưu có thể tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, quy mô nợ công hiện nay đang áp sát ngưỡng kiểm soát do Quốc hội đề ra và đặt ra thách thức trong việc đảm bảo an toàn nợ công nói riêng và nền kinh tế nói chung.
|
Nợ công - vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. |
Trước đây, nợ công hầu hết là nợ nước ngoài hay vốn vay ODA với lãi suất từ 1% đến dưới 3%. Từ năm 2010, Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình nên nợ nước ngoài có mức độ ưu đãi giảm dần. Vì vậy, nợ công dịch chuyển sang nguồn vay trong nước, tăng từ 40% năm 2011 lên 57,1% năm 2015. Do đó, việc sử dụng nợ công hiệu quả sẽ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội.
Việc đầu tư dàn trải dẫn tới hiệu quả không cao, nhất là đầu tư công và DNNN. Theo WB, ICOR của Việt Nam trong giai đoạn 2001 - 2005 là 4,88; giai đoạn 2006 - 2010 lên đến 6,96 và sau 5 năm, vẫn ở mức 6,92 vào giai đoạn 2011 - 2014. Một phần đáng kể của nợ công được sử dụng để trả nợ thay cho đầu tư phát triển. Tỷ lệ trả nợ trong kỳ/dư nợ vay của Chính phủ và khoản vay được Chính phủ bảo lãnh ở mức khoảng 14,2% năm 2014 (số liệu mới nhất được Bộ Tài chính công bố) và lên đến 16% năm 2015 theo ước tính của WB. Việc dành đến 14%-16% dư nợ công trong kỳ để trả nợ gây hạn chế đến đầu tư phát triển và chi để tăng năng suất lao động, giáo dục, y tế và các lĩnh vực thiết yếu khác.
Cơ cấu chi ngân sách không bền vững, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nợ công. Trong giai đoạn, chi ngân sách chủ yếu là chi thường xuyên với mức tăng trưởng là 18,44%/năm. Ngược lại, chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm, nhất là từ năm 2013 đến nay, chỉ ở mức 4,8%/năm.
Nguy cơ vay lãi cao để … trả nợ gốc
Hiện nay, nợ công đang phải đối mặt với thực tế: chỉ tiêu nợ phải trả (nợ gốc và lãi) có nguy cơ tiến sát vượt ngưỡng cảnh báo 22,3% (ngưỡng an toàn 25%). Nghĩa vụ trả nợ/thu NSNN tăng lên 38% vào năm 2014 và 45% năm 2015; Hệ quả là, tình trạng vay để trả nợ gốc ngày càng tăng, lên đến 80.000 tỷ năm 2014 và 150.000 tỷ năm 2015. Tuy nhiên, khả năng gia tăng thu ngân sách/GDP giảm mạnh, cụ thể năm 2011 là 25,9%, xuống 22,1% năm 2015 và dự kiến tiếp tục giảm. Các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng NSNN. Lãi suất bị đẩy lên cao, gây ra khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó làm giảm nguồn thu của NSNN để thanh toán các khoản vay.
Theo khuyến nghị của WB và IMF, Việt Nam cần xây dựng và công bố kế hoạch tài khóa trung hạn nhằm cải thiện công tác quản lý ngân sách và nợ công theo hướng bền vững. Cụ thể, đến năm 2018, tỷ lệ nợ công/GDP là dưới 63%, các chỉ tiêu nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài/GDP dưới ngưỡng kiểm soát 50%. Đến năm 2020, tỷ lệ nợ công/GDP là dưới 60%, các chỉ tiêu nợ Chính phủ và nợ nước ngoài/GDP được kiểm soát tốt và có bước đệm để duy trì dưới ngưỡng kiểm soát 50%.
Trung tâm nghiên cứu BIDV cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam cần xem xét xét thành lập Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công (trực thuộc Quốc hội) có chức năng: Giám sát các vấn đề nợ công và NSNN; Giám sát, chỉ đạo hoạt động và sự phối hợp của các đơn vị liên quan tới các vấn đề trên; Cấp phép và giám sát hoạt động của các cơ quan chuyên môn cao được phép cung cấp dịch vụ tư vấn và đấu thầu cho dự án dùng vốn nợ công; Tham mưu cho Quốc hội về việc Ban hành Luật, trong đó có quy định về đãi ngộ/ chế tài đối với cá nhân liên quan tới hoạt động quản lý, sử dụng và giám sát nợ công; Phê duyệt và giám sát các quyết định về NSNN, khoản vay và cho vay từ nguồn nợ công với một giá trị tối thiểu cho trước; dưới mức ngưỡng này, Bộ Tài chính tự xử lý, Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công chỉ giám sát.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần đưa ra văn bản hướng dẫn thi hành Luật về nợ công, quản trị rõ ràng; xây dựng hệ thống quốc gia về khai báo các khoản vay. Trong thẩm quyền được giao, Bộ Tài chính tự ra quyết định về NSNN, phê duyệt các khoản vay và đầu tư trên cơ sở tham khảo ý kiến của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp đã được Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công chấp thuận.
Minh Triết