Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam khẳng định, kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18 - 20% năm 2016 sẽ không phải là chuyện khó khăn, nhưng quan trọng nhất vẫn là chuyện vốn đổ vào nền kinh tế có thực chất, hiệu quả, kích thích tăng trưởng doanh nghiệp hay không.
Tổng dư nợ 6 tháng đầu năm 2016 hơn 39.388 tỷ đồng; trong đó chiếm nhiều nhất là vốn vay ngắn hạn khoảng 20.664 tỷ đồng, trung và dài hạn hơn 18.724 tỷ đồng. Nguồn vốn này đổ mạnh vào việc cho vay các chương trình trọng điểm như cho vay theo Nghị định 55 (chiếm 18,5%), doanh nghiệp vừa và nhỏ (15,6%), tín dụng chính sách (8,96%)... Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nói, mặc dù lãi suất huy động ổn định, có chiều hướng tăng nhẹ ở lãi suất tiền gửi dài hạn, nhưng các ngân hàng thương mại đã có sự điều chỉnh lãi suất cho vay khi giảm từ 0,2 đến 0,5 điểm %/năm, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh và các ngân hàng thương mại cũng đạt được kế hoạch tăng trưởng tín dụng đề ra. Hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần tại Quảng Nam đều cam kết mở rộng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đi đôi với an toàn hiệu quả, tiếp tục tăng trưởng dư nợ ở các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tín dụng 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng khá cao, khoảng 16,11%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015 (chỉ tăng 8,52%). Kết quả này là nỗ lực lớn của ngành ngân hàng trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay, triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng và triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng của nhà nước.
Vốn cần “rơi” đúng chỗ
Theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng qua đã tăng hơn 12,4% so với cùng kỳ và các ngành sản xuất khác đều tăng cao, cho thấy sức hấp thụ vốn của nhiều doanh nghiệp đã gia tăng. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, tốc độ cung tiền khoảng 13 - 15% là mức tăng trưởng tối ưu, giúp nền kinh tế địa phương đạt mức tăng trưởng khả quan. Hiện tại tăng trưởng tín dụng khoảng 16,11%, thì 6 tháng còn lại, tín dụng ngân hàng phải tăng thêm 2 - 4% là sẽ đạt được tăng trưởng. Đây là điều nằm trong tầm tay của các ngân hàng khi lực cầu tín dụng đang rất mạnh và dự báo sẽ tăng cao vào những tháng cuối năm nay, đủ để hệ thống ngân hàng Quảng Nam thừa khả năng tăng trưởng dư nợ 18 - 20% như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ấn định.
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2016 phụ thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế và doanh nghiệp. Hiện tại, tổng huy động trên địa bàn chỉ đạt 29.535 tỷ đồng, tăng 14,87% so với đầu năm, tăng 29,35% so với cùng kỳ, nhưng tổng dư nợ đã hơn 39.388 tỷ đồng. Ngay cả việc huy động vốn không tăng thì vốn các ngân hàng cũng sẽ không thiếu vì có sự điều phối, bơm vốn từ các hội sở. Hệ thống ngân hàng Quảng Nam đã, đang và sẽ sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế Quảng Nam phát triển và điều chỉnh phù hợp với thực tế địa phương.
Kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 18 - 20% năm 2016 sẽ không là chuyện khó của hệ thống ngân hàng tại Quảng Nam. Theo nhận định của nhiều giám đốc ngân hàng, để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng vào cuối năm, ngành ngân hàng có nhiều cách thực hiện như ký kết cho vay một vài dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, rót vốn ngắn hạn cho một số doanh nghiệp lớn, cho vay cầm cố giấy tờ có giá với những khoản vay lớn… Tất cả khoản này sẽ thúc đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng nhưng đó là con số ảo, thiếu thực chất. Dòng vốn sẽ không đi tới những nơi có nhu cầu thực sự hay chảy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, theo quan điểm của ngân hàng, tín dụng tăng bao nhiêu, đạt chỉ tiêu hay không, không có ý nghĩa nhiều. Nếu chỉ tăng 8% hay 10% nhưng rơi đúng chỗ, thực chất hơn, còn tăng trưởng ngất ngưởng nhưng phải chạy theo “dọn dẹp” thì khổ. Nếu cứ bắt tín dụng tăng trưởng bằng mọi giá thì sẽ quay sang câu chuyện “tín dụng biểu diễn” hay “tín dụng thực chất”. Suy cho cùng, điều quan trọng hơn nhất là chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đến nơi cần chảy, đúng nơi cần của nền kinh tế hấp thụ, chứ không phải là dựa vào con số tăng trưởng nhiều hay ít. Điều cần nhất là tạo ra cơ chế tốt hơn để cho cả kinh doanh và tăng trưởng tín dụng đều đạt được “thực chất”.
Theo TÙY PHONG
(Báo Quảng Nam)