Những kế hoạch lớn nhằm phục hồi thị trường chứng khoán chưa triển khai được bao nhiêu thì những đợt sóng dữ xuất hiện gần đây có thể sẽ vùi dập nỗ lực của toàn thị trường, xóa mờ những tín hiệu hồi phục và gieo rắc nỗi lo sợ khắp các sàn chứng khoán.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia và CTCK cho rằng, TTCK vẫn tích cực và xu hướng vẫn là tăng điểm trong năm 2014 và dài hạn. Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 5, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, xu hướng tăng điểm của mọi TTCK cho tới thời điểm hiện tại vẫn đúng.
VDSC cho rằng, việc tháo chạy khỏi thị trường nếu không được tính toán kỹ lưỡng mà do tác động từ bên ngoài có thể sẽ gây nuối tiếc sau này. Theo đó, chứng khoán phản ánh kinh tế và chính trị nhưng sau những cơn hoảng loạn, xu hướng đi lên là tất yếu.
Trước đó, chuyên gia chứng khoán đến từ Singapore Adam Khoo cho rằng, TTCK hầu hết các nước trên thế giới đều trong xu hướng đi lên. Sau các cuộc khủng hoảng ở nhiều nước, chứng khoán vẫn gia tăng trở lại.
Mặc dù vậy, một thực tế không chối cãi là chứng khoán Việt vẫn chứng kiến các phiên giảm điểm mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 12/5 khi mà nhiều CTCK cho rằng tâm lý thị trường đã tương đối ổn định, cổ phiếu vẫn được bán ra ồ ạt với nhiều lệnh bán được tung vào bán một cách không thương tiếc, toàn giá sàn, giống như tình trạng môi giới của các CTCK bán giải chấp của các NĐT.
Mức lỗ để giải chấp có lẽ không còn được "để" ở mức 30%, mà đã được áp dụng ở mức thấp hơn.
Nội bán, ngoại mua
Trái ngược với tình trạng tháo chạy của các NĐT nội, khối ngoại vẫn đang mua vào khá đều đặn. Sáng 12/5, các NĐT nước ngoài vẫn đang mua vào rất nhiều các cổ phiếu ngành dầu khí, điện, cao su và tiêu dùng như: PVD, GAS, PPC, DPM, HAG, MSN, HPG...
Trong tuần trước, khối ngoại mua ròng hơn 500 tỷ đồng cho dù TTCK đang trong vùng điều chỉnh thường thấy vào tháng 5 và đang chịu ảnh hưởng từ những thông tin căng thẳng trên Biển Đông.
Trong các cú sốc chứng khoán tụt giảm vài năm gần đây, như vụ bầu Kiên và một số vụ tin đồn khác, khối ngoại có xu hướng bình tĩnh hơn các NĐT nội với một chiến lược là mua các cổ phiếu đã xác định tốt ở mức giá hấp dẫn.
Nhiều CTCK nội cho rằng, chưa nên bắt đáy vào thời điểm này do thị trường đang bị tâm lý bầy đàn chi phối. Tuy nhiên, cũng không ít người đánh giá, thời điểm này có thể là một cơ hội tốt, bởi khủng hoảng mới khiến cổ phiếu có mức giá thấp hơn bình thường rất nhiều.
Với những vụ như Bầu Kiên, Huyền Như, lo ngại ảnh hưởng tới TTCK trong ngắn hạn là đúng, nhưng về dài hạn đây là những bước đi nhằm mang lại sự trong sạch, nâng cao tính minh bạch cho nền kinh tế, cũng như các DN. Xét về mặt này, thì các vụ việc như vậy là tích cực chứ không phải tiêu cực đối với TTCK. Sự hoảng sợ có thể là thái quá.
Thực tế cho thấy, TTCK gần đây có rất nhiều kế hoạch lớn đang được triển khai và việc thành công ở mức nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Sự quan tâm của các NĐT nước ngoài đối với chính sách nới "room" ngoại, với kế hoạch cổ phần hóa DNNN của Việt Nam là điều đáng mừng. Hiện tượng mua gom mạnh các cổ phiếu tốt trên TTCK của khối ngoại trong thời gian gần đây cho thấy điều này.
Có thể thấy, trong thời đại hội nhập như hiện nay, những nỗ lực kêu gọi các dòng vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp cho nền kinh tế là rất quan trọng. Nỗ lực mở cửa nền kinh tế rộng hơn cho các NĐT quốc tế thông qua các chính sách trên TTCK cũng như các chính sách đầu tư khác có thể đem lại một vóc dáng và vị thế mới tốt hơn cho nền kinh tế Việt Nam.
Mặc dù vậy, sự ổn định trên các thị trường là cần thiết để dòng tiền quốc tế đến và ở lại với nền kinh tế, với các DN. Mà trong mọi hoàn cảnh, sự bình tĩnh dường như là chìa khóa cho các quyết định đúng đắn.
Theo Vietnamnet