leftcenterrightdel
Ông Phạm Thanh Hà- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN : điều hành tỉ giá theo hướng ổn định, giảm lãi suất cho vay khi có điều kiện là thách thức không nhỏ

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất giảm mạnh từ năm 2012 và giữ ổn định trong năm 2017, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm. Tăng trưởng tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, đi đôi với chất lượng tín dụng và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên;  chính sách tín dụng theo ngành kinh tế có hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tăng trưởng GDP bền vững, năm 2017 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.

Ngoài ra, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, lạm phát được kiểm soát, giúp neo vững kỳ vọng lạm phát, củng cố niềm tin của nền kinh tế và giới đầu tư vào đồng Việt Nam, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo đó Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”...

leftcenterrightdel
Điều hành chính sách tiền tệ vẫn còn lắm gian nan ( ảnh minh họa) 

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, còn tồn tại nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc ổn định lạm phát theo mục tiêu 4% trong điều kiện giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu mỏ có rủi ro gia tăng, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý tiếp tục được triển khai, tiêu dùng gia tăng do tổng cầu của nền kinh tế khởi sắc, thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh tạo hiệu ứng kích thích chi tiêu do giá tài sản tăng và kỳ vọng lạc quan về triển vọng kinh tế dưới tác động của các hiệp định FTA...

Đáng lưu ý là chính sách tiền tệ thận trọng của các ngân hàng trung ương lớn cộng hưởng với diễn biến phức tạp của đồng đô la Mỹ,… cũng là các yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng lớn đến hiệu lực và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2018.

Để xử lý và hóa giải các áp lực và rủi ro đó đòi hỏi cần bám sát diễn biến lạm phát để tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tài khóa - tiền tệ - quản lý giá để kiểm soát lạm phát 4% theo mục tiêu đặt ra, từ đó tạo nền tảng vững chắc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc điều hành tỉ giá theo hướng ổn định, giảm lãi suất cho vay khi có điều kiện theo chủ trương của Chính phủ, là thách thức không nhỏ trước bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu, dòng vốn vào/ra biến động khó lường tác động bởi xu hướng chính sách tiền tệ thận trọng của các ngân hàng trung ương chủ chốt, đặc biệt là Fed, cộng hưởng với diễn biến phức tạp của đồng đô la, chính sách cải cách thuế của chính quyền Mỹ, xu hướng bảo hộ thương mại, các xung đột địa chính trị tại các khu vực,... đang ngày càng gia tăng.

leftcenterrightdel
Chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc ( ảnh T.D)

Là người theo dõi nhiều năm việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước (NHNN), chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Phan Minh Ngọc cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng góp phần thành công điều hành chính sách của NHNN là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và quan trọng hơn là định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Không còn nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế như ưu tiên hàng đầu như những năm trước đây.

Với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và chính sách ổn định như vậy, NHNN không bị buộc phải thi hành chính sách nới lỏng như trước đây để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tối đa. Do đó với chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, NHNN đã thành công trong ổn định kinh tế vĩ mô như kiểm soát lạm phát, tỉ giá. Lãi suất cho vay tuy vẫn ở mức độ tương đối nhưng là mức độ chấp nhận được với doanh nghiệp. Đó là những yếu tố góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thành công trong điều hành chính sách của NHNN.

Ngoài ra, theo ông Ngọc, tăng trưởng tiền tệ chỉ là một phần của tăng trưởng kinh tế nói chung dù NHNN đã xác định rõ tốc độ tăng trưởng hiện nay chỉ khoảng 6,7% nhưng để bù lại tốc độ tăng trưởng tiền tệ thận trọng hơn, chúng ta có thể nhấn đến chất lượng tăng trưởng.

Còn ông Nguyễn Xuân Thành, GĐ Phát triển, Trường Đại học Fulbright VN cho biết, nới lỏng chính sách tiền tệ không nên là ưu tiên chính sách trong giai đoạn hiện nay. Đó là gánh nặng đặt lên NHNN và ngành ngân hàng…

Nhìn một cách khách quan, kết quả tăng trưởng tốt 2017 với sự hỗ trợ tốt của chính sách tiền tệ mà vẫn đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, cân đối vĩ mô. Nếu chúng ta nhìn vào thời điểm hiện nay, tăng trưởng quý I/2018 rất tốt, sức cầu trong nền kinh tế tốt, xuất khẩu tốt, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo trong nước tăng trưởng tốt, tăng 14% tổng mức bán trong 4 tháng đầu năm; hàng hóa dịch vụ tăng 9,5%, trong khi lạm phát có 2,82 %.

“Trong khi đó, chính sách điều hành của NHNN là vừa phải thận trọng, ổn định và lại phải hỗ trợ tăng trưởng. Chúng ta phải ưu tiên về mặt nào? vì tăng trưởng hiện nay tốt, cần chú ý tới vấn đề từ tăng trưởng tốt sang quá nóng, đặc biệt là thị trường tài sản. Do vậy, về định hướng chính sách tiền tệ không phải là nới lỏng, không phải là hỗ trợ tăng trưởng”- ông Thành thông tin.

PV