Trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM, cả trăm cổ phiếu giá chỉ từ vài trăm đồng đến vài nghìn đồng, chưa đủ để mua nổi bó rau hay cọng hành.
Cổ phiếu SDJ chuẩn bị rời sàn chứng khoán vào ngày 21/5 sắp tới do lỗ lũy kế gần 58 tỷ đồng, cao hơn cả vốn điều lệ doanh nghiệp (43,4 tỷ đồng).
Cổ phiếu PSG thì vừa vào diện kiểm soát hồi đầu tháng 4 do lỗ sau thuế 2 năm gần nhất là 87 tỷ đồng (2011) và 251 tỷ đồng (2012). Chưa kể kiểm toán còn lưu ý khả năng hoạt động liên tục của công ty sau khi ghi nhận doanh nghiệp có nợ ngắn hạn vượt tài sản lưu động hơn 282 tỷ đồng, nợ gốc quá hạn các tổ chức tín dụng gần 254 tỷ đồng và lãi chậm trả tại ngày 31/12/2012 hơn 61 tỷ đồng.
Lượng cổ phiếu giá dưới 2.000 đồng trên sàn HOSE chỉ gồm 3 mã TNT (Cổ phần Tài Nguyên), DRH (Đầu tư Căn nhà mơ ước) và PXM (Xây lắp Dầu khí Miền Trung) giá dưới 2.000 đồng, không có mã nào dưới 1.000 đồng. Còn lại 51 mã khác giá dưới 5.000 đồng, chủ yếu thuộc diện cảnh báo, kiểm soát như SGT (Công nghệ Viễn thông Sài Gòn), CYC (Gạch men Chang Yih), PXI ( Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng dầu khí)... Lý do chính vẫn là kinh doanh thua kém triền miên, gánh lỗ lũy kế khủng.
Những nhà đầu tư bám sàn từ lâu đã hài hước nói với nhau về chuyện cổ phiếu rẻ hơn mớ rau, cọng hành. Một mớ rau muống giờ khoảng 5.000 đồng. Bà nội trợ muốn mua hành, mùi cũng phải trả ít nhất 1.000 đồng chủ hàng mới bán.
Anh Vũ Văn Đức, nhà đầu tư tại sàn Hà Nội tâm sự những nhà đầu tư như anh cũng đã "quen" dần với chuyện cổ phiếu giá bèo bọt. "Cái chính chỉ là đánh cho vui, lúc nào có sóng thì tranh thủ kiếm một ít chứ tôi cũng không quan tâm mấy đến chuyện làm ăn của các công ty này", anh Đức nói thêm.
2 năm trước, nhiều mã trong danh sách này từng có giá tới hàng chục nghìn đồng. Chẳng hạn cổ phiếu SGT đạt 26.700 đồng vào ngày 5/10/2010, nhưng đúng 2 năm sau, giá SGT giảm còn 2.400 đồng. Trình tự này cũng diễn ra đối với ALP, TVH và hàng loạt cổ phiếu giá bèo khác, phần lớn thị giá giảm 85-95% qua 2 năm.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng cho rằng, để biết cổ phiếu giá rẻ đến đâu phải so sánh thêm với trị giá thực của nó. "Nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, cổ phiếu chỉ như tờ giấy nhưng vẫn có thị giá vài trăm đến vài nghìn đồng, như vậy đã là quá cao", ông Khánh nhận xét.
Tuy vậy, chuyên gia này cũng cho rằng, vẫn có những cổ phiếu chỉ tạm thời thất thế do thị trường, trong khi giá trị thực vẫn cao, nhờ tài sản cố định hoặc thương hiệu lâu năm. Minh chứng là thời gian vừa qua, các quỹ đầu tư vẫn tích cực gom cổ phiếu một số công ty có kết quả kinh doanh không hẳn tốt, thị giá lại thấp.
"Quan trọng là độ kiên nhẫn của nhà đầu tư kiên nhẫn với những mã cơ bản tốt ra sao. Thông thường để gặt hái lợi nhuận phải chờ một thời gian dài. Nếu trông chờ vào đội lái và những cổ phiếu giá rẻ sẽ gặp phải rủi ro rất cao", ông Khánh nói thêm.
Cũng theo ông Khánh, nhiều khi giá cổ phiếu tăng hay giảm không nằm ở chất lượng hoạt động công ty mà do cung, hoặc do cổ đông lớn, nội bộ nắm giữ tỷ lệ lớn dẫn đến tình trạng khó phát sinh giao dịch.
Đối với những mã như vậy, không nhất thiết các cơ quan chức năng phải có quy chế "dẹp sạch" thị trường, bởi nếu làm ăn không tốt, sau 3 năm doanh nghiệp vẫn bị hủy niêm yết. "Thực ra các chỉ số hiện nay đang ở mức thấp nhất trong năm 2013, tuy nhiên vẫn được xem là cao so với năm 2012, lại thêm đợt sóng vừa rồi cũng giúp nhiều mã, đặc biệt là blue-chip có nền tảng tăng điểm vững giá", ông Khánh nói thêm.
Còn theo ông Trịnh Xuân Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB, P/E (chỉ số giá trên thu nhập) hiện thời của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức 13, được xem là rẻ so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia hay Singapore...(P/E 15-20). Đặc biệt, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự kiến năm 2013 so với 2012 khoảng 25%, PE tương lai cuối năm nay sẽ ở mức 9,5-10. Đây là mức khá hấp dẫn trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đã hồi phục và đang ở mức cao, ông Sơn phân tích.
Kết quả kinh doanh quý I/2013 của các doanh nghiệp niêm yết là khả quan, với mức tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, kết quả này không xóa bỏ được thực tế là vẫn còn rất nhiều công ty khó khăn, khả năng chống chọi với khủng hoảng thấp, rủi ro kinh doanh chồng chất, nguy cơ phá sản cao. Chính vì vậy, dòng tiền thông minh sẽ tập trung ở các mã có cơ bản tốt chứ không còn là giá rẻ, ông Sơn nhận xét.
Theo Tường Vi
VnExpress