Khủng hoảng diễn ra khiến cho phần lớn các ngành kinh tế lao đao, rơi vào tình trạng trì trệ kém phát triển. Tuy nhiên bên cạnh tác động tiêu cực có những ngành nghề kinh doanh được hưởng lợi từ suy thoái kinh tế, cao su săm lốp là một ví dụ.

 

Sang năm 2013, cùng với sự tăng trưởng 24% của toàn thị trường các CP caosu săm lốp tiếp tục có tăng giá mạnh mẽ. Nếu lấy mức đỉnh giá của CP so với thị giá tại phiên giao dịch đầu năm thì mức tăng thấp nhất cũng trên 50%, cụ thể thị giá DRC tăng 76%, CSM tăng 78% và SRC là 51,7%. Như vậy so với toàn thị trường mức tăng ở các CP caosu săm lốp gấp 2,1-3,2 lần.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các CP caosu săm lốp có cơ sở chắc chắn từ chính kết quả kinh doanh của Cty. Nếu quý I/2012 lợi nhuận sau thuế của DRC, CSM, SRC lần lượt 57,7 tỉ đồng, 39 tỉ đồng và 9,4 tỉ đồng thì quý I/2013 lợi nhuận đạt được là 78,1 tỉ đồng, 68 tỉ đồng và 18,3 tỉ đồng.


Có thể thấy so sánh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tương đối thì SRC có mức tăng ấn tượng hơn, nhưng thị giá CP SRC lại tăng ít hơn DRC, CSM. Điều này cho thấy cách đánh giá của nhà đầu tư với các CP cùng ngành đã thay đổi nhiều.

Trước kia nếu có nhóm ngành được đánh giá tốt thì mọi CP đều tăng giá và thậm chí CP Cty nhỏ có sức tăng giá mạnh hơn CP DN lớn. Lý do là dòng tiền mua CP có tính đầu cơ cao với tâm lý “đánh CP nhỏ lên chốt lời nhanh và dễ hơn”. Bây giờ nhà đầu tư quay lại lựa chọn CP có nền tảng tốt, chiến lược kinh doanh rõ ràng, dài hơi.

Cụ thể, cả 3 Cty đều có sản xuất lốp ôtô, tuy nhiên chỉ có DRC và CSM đã và đang xây dựng dây chuyền sản xuất lốp radial dành cho xe du lịch. Theo báo cáo mới nhất sau ĐHCĐ 2013 DRC, giai đoạn 1 của dự án 600 ngàn lốp/năm đã hoàn thành và chạy thử cho sản phẩm tốt. Nhanh nhất vào tháng 6.2013 sẽ cho sản phẩm đầu tiên. Giai đoạn đầu nhà máy dự kiến sản xuất 50 ngàn lốp/năm với giá 7 triệu đồng/lốp cho doanh thu dự kiến 350 tỉ đồng.

Còn tại CSM giai đoạn I của dự án sản xuất 1 triệu lốp/năm là 350 ngàn lốp cũng đã gần hoàn thành. Phấn đấu quý IV/2013 sẽ đưa sản phẩm ra thị trường.

Còn SRC cũng sản xuất lốp ôtô nhưng là lốp bias dành cho xe tải, xe đặc chủng. Kế hoạch của SRC là giữ nguyên công suất 500 ngàn lốp/năm, tiến hành di chuyển nhà máy về KCN Châu Sơn, Hà Nam. Như vậy về phát triển dài hạn của SRC trong những năm tới khó có sự đột biến nào do không đầu tư sản phẩm mới, mở rộng thị trường. Vì vậy lợi nhuận ở hiện tại có tốt nhưng thiếu bền vững.

Đó cũng là nguyên nhân dễ hiểu khi báo cáo phân tích của một số CTCK đều khuyến nghị tiếp tục nắm giữ CP DRC và CSM mặc dù có rủi ro tài chính như lãi suất, tỉ giá do đang trong giai đoạn đầu tư lớn nhưng tiềm năng tăng trưởng tương lai tốt. “Trình độ nhà đầu tư bây giờ đã khác rất nhiều. Tính chuyên nghiệp và khả năng phân tích cao hơn nên chỉ Cty nào kinh doanh bài bản, chiến lược rõ ràng, minh bạch mới được chú ý”- ông Lê Đức Khánh - GĐ chiến lược đầu tư MSBS nói.

Ông Khánh cho rằng trong cùng ngành những CP đầu ngành, lợi thế về nhà máy, thị trường sẽ chiến thắng và nhận được sự chú ý đặc biệt của các NĐT. DRC, CSM là những CP như vậy.

Theo Thanh Sơn
Lao Động

.