leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

 

Trong đó, thu nội địa lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt xấp xỉ 523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán, tăng 15,5% so cùng kỳ năm 2017. Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù (thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, thu hồi vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp), số thu nội địa ước đạt 402,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,4% dự toán, tăng 13% so cùng kỳ năm 2017.

Cũng theo ông Hải, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan Thuế đã tích cực rà soát, kiểm tra, giám sát việc kê khai, quyết toán thuế của doanh nghiệp; đôn đốc thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào NSNN; đã thực hiện trên 22,6 nghìn cuộc thanh tra và kiểm tra thuế, kiến nghị xử lý thu vào NSNN 4,7 nghìn tỷ đồng (số đã nộp vào NSNN gần 2 nghìn tỷ đồng); thu hồi được 14,88 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử; tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn chính sách, pháp luật về thuế.

Ước tính 6 tháng có 45/63 địa phương có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 50%), trong đó 36 địa phương thu đạt trên 53% dự toán; 53/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, 10 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ. Loại trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, thì có 31 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán; đáng chú ý là có 32 địa phương tiến độ thấp so dự toán, trong đó có 13 địa phương thu 6 tháng đạt dưới 45% dự toán năm.

Ngoài ra, về chi ngân sách, tổng chi NSNN 6 tháng đạt 649,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 130 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, tăng 42%; chi trả nợ lãi đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, bằng 52,7% dự toán, tăng 6%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ trả nợ đến hạn theo cam kết; chi thường xuyên đạt 455,8 nghìn tỷ đồng, bằng 48,5% dự toán, tăng 5%, theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của đơn vị. Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và hiệu quả sử dụng NSNN.

Riêng thực hiện chi đầu tư XDCB (bao gồm cả nguồn trái phiếu Chính phủ), tuy tiến độ giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2017 (đạt 31,7% dự toán so với mức 25,6% cùng kỳ), song vẫn chậm so yêu cầu dự toán (có 35 bộ, ngành trung ương và 6 địa phương giải ngân đạt dưới 25% dự toán). Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

Để hoàn thành thu ngân sách, những tháng cuối năm, ngành Tài chính thực hiện các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của nhà nước.

Tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2018 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN năm 2018. Đôn đốc thu kịp thời các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả của ngành Tài chính, song Phó Thủ tướng cũng lưu ý 12 điểm, trong đó như vấn đề thu NSNN đạt 49,4% cao hơn so với cùng ký, nhưng có tới 20 địa phương thu ngân sách dưới 50%. Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị cần tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu nợ đọng, làm xói mòn cơ sở thuế. Bộ Tài chính cần có đề án cụ thể xây dựng cơ chế thu từ khu vực phi chính thức.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh về hóa đơn điện tử, phối hợp với một số tỉnh, thành phố để thanh toán online, giảm thanh toán tiền mặt, và nhất là việc khoán thu ”vì đây là chỗ gây thất thoát thu nhất và cũng rất khó để chúng ta quản lý cán bộ thuế”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với vấn đề như thuế tài sản, thuế VAT, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu áp giá trị nhà từ 700 triệu đồng trở lên, qua tính toán thì thu thêm được 1.500 tỷ tiền thuế, rồi phát sinh thêm các khoản chi phí quản lý để thu thuế, nó chỉ bằng 1 phần nhỏ của tiền nợ thuế.  Dư địa để thu còn nhiều, việc chống chuyển giá, trốn nợ thuế đã làm tốt nhưng bây giờ phải tăng cường hơn nữa.

Đồng thời, cần rà soát lại vì sao 20 địa phương lại thu ngân sách đạt dưới 50% không để tới cuối năm các địa phương này hụt thu thì Trung ương phải bù ngân sách hay việc sử dụng nguồn của tỉnh thu ngân sách nhiều hơn bù cho tỉnh thu ngân sách thiếu. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần rà soát lại việc phân bổ dự toán giao thu ngân sách, áp dụng tất cả các biện pháp để cố gắng vượt dự toán 5%.

 Bộ Tài chính cũng cần nghiên cứu sửa các luật thuế, trong đó có thuế tài sản phù hợp với tình hình của Việt Nam theo đúng tinh thần cải cách thuế và đúng bản chất chính sách thuế là giảm mức thu thuế mà vẫn tăng được mức đóng góp, không được méo mó bản chất của các chính sách thuế, phải nuôi dưỡng nguồn thu.

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc vừa qua Bộ Tài chính đã không tăng thuế VAT và cho hay, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thì ai cũng ủng hộ vì vừa chống được buôn lậu, cho nên “ cái gì tăng cái gì giảm thì cần phải tính toán kỹ”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Đối với hoạt động chi ngân sách, Phó Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ luật về chi, nhất là những khoản chi như hội họp, mua sắm công, đi công tác nước ngoài... đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chi thường xuyên.

Thanh Dịu