Theo Bộ Công thương cho biết, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng liên tục trong thời gian vừa qua và đã đạt mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Giá dầu WTI hiện ở mức 91,65 USD/thùng, dầu Brent lên mức 92,97 USD/thùng (ngày 18/2/2022) và được các chuyên gia phân tích thị trường dự báo có thể tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay.
Nguyên nhân của việc tăng giá trên là do nhu cầu xăng dầu tăng mạnh khi biến chủng COVID-19 mới (Omicron) được đánh giá không gây trở ngại lớn đối với nhu cầu nhiên liệu như lo ngại ban đầu; vận tải hàng không được hoạt động trở lại làm gia tăng nhu cầu nhiên liệu bay; nhu cầu dầu sưởi tăng trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao.
Tồn kho dầu thô giảm mạnh, trong khi việc gia tăng sản lượng của OPEC+ (thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng) gặp khó khăn do việc thiếu đầu tư và một số trục trặc về hoạt động khai thác do ảnh hưởng của thời tiết hoặc vấn đề về kỹ thuật.
Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm tăng mạnh giá khí đốt và ảnh hưởng gián tiếp đến giá dầu. Căng thẳng chính trị tại các nước sản xuất dầu lớn như Kazakhstan, Libya, Ả rập Xê út và Iran ảnh hưởng lớn đến nguồn cung dầu cho thị trường và đẩy giá dầu tăng. Khi giá dầu thô lên ngưỡng 90 USD/thùng sẽ khiến các nhà đầu tư kỳ vọng và tin tưởng hơn về việc giá dầu sẽ đạt ngưỡng 100 USD/thùng theo đó tạo tâm ý đẩy giá dầu lên cao.
Ở trong nước, tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PVoil, Tổng công ty xăng dầu quân đội, Tổng công ty hoá dầu quân đội, Công ty Hải Hà, Hải Linh, Hòa Khánh, Thiên Minh Đức, Dương Đông, Nam Phúc, Hồng Đức... (chiếm trên 95% thị phần với khoảng 16.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay.
Cục bộ tại một số địa phương phía Nam (như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh) có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung. Ngay sau khi nhận thông tin báo cáo từ các địa phương, Bộ Công thương đã liên hệ với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn cung cho các địa bàn như đề nghị Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cung cấp hàng cho Công ty Nam Sông Hậu để cung ứng hàng cho địa bàn thành phố Cần Thơ; yêu cầu Công ty TNHH MTV Dầu khí Hồ Chí Minh cung cấp hàng cho Công ty xăng dầu Bông Sen Vàng, Công ty cổ phần thương mại hóa dầu Resol; đề nghị PVOIL bổ sung nguồn hàng cho Công ty xăng dầu Hoàng Gia; đề nghị Petrolimex bổ sung lượng hàng cung ứng cho địa bàn tỉnh Cần Thơ để kịp thời cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
|
|
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. (Ảnh minh hoạ) |
Trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương tại Công điện số 517/CĐ-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến lĩnh vực này, trong những ngày trước và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện triệt để các nhiệm vụ được giao tại Công điện, tiến hành công tác quản lý địa bàn, biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố (Công an, Sở Công thương) giám sát các loại hình kinh doanh xăng dầu theo từng địa phương, trong đó có các phương án, kế hoạch để kiểm tra đột xuất ngay các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, từ ngày 28/1/2022 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tại các địa phương, có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc bán nhỏ giọt và đã kịp thời xác định nguyên nhân, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.
Theo báo cáo của lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương, các cửa hàng ngừng kinh doanh thời gian vừa qua do khá nhiều nguyên nhân như không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hoặc nhu cầu tăng tại nhiều điểm cần cấp xăng dầu trong cùng một thời điểm nên hệ thống xe chuyên chở của các thương nhân cấp hàng không kịp phục vụ (gồm khoảng 26 cửa hàng).
Nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước (khoảng 37 cửa hàng); không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khi chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm bệnh... (khoảng 67 cửa hàng); ngừng bán trái phép 2 cửa hàng.
Trước tình hình trên, ngày 10/2/2022, Bộ Công thương đã triển khai đoàn kiểm tra trực tiếp đến các địa bàn một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để kiểm tra việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá đã được Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn các tỉnh xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định.
Tiếp đó, ngày 15/2, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký quyết định thành lập 3 đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo đó các đoàn thanh tra sẽ thanh tra việc việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.