    |
 |
Người dân đang tranh thủ khai thác vầu trước khi chúng chết khô hoàn toàn. |
Những năm qua, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quan Sơn chủ yếu phụ thuộc vào khai thác lâm sản từ rừng nứa, vầu, luồng. Đây là nhóm cây chủ lực trong phát triển kinh tế, được xem là cây thoát nghèo của người dân huyện Quan Sơn nói riêng và các huyện miền núi toàn tỉnh Thanh Hoá nói chung.
Tuy nhiên, thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn cho biết, từ cuối năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện có tới 50-60% diện tích nứa, vầu, luồng ra hoa và theo quy luật tự nhiên chúng sẽ thoái hoá và chết dần, đây gọi là hiện tượng khuy sinh học. Hiện nay, Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và chủ rừng, rà soát, thống kê diện tích rừng vầu, nứa, luồng bị khuy.
    |
 |
Ông Hà Văn Học (ngoài cùng bên phải) chia sẻ với Bộ đội Biên phòng và phóng viên. |
Ông Hà Văn Học (48 tuổi) từng có 10 năm làm Trưởng bản Yên, xã Mường Mìn (huyện Quan Sơn) lo lắng: “Bố mẹ tôi làm nghề rừng mấy chục năm rồi, đến thế hệ vợ chồng chúng tôi cũng theo nghề của cha ông để lại. Từ ngày cha sinh mẹ đẻ tới nay, đây là lần thứ 2 tôi chứng kiến cảnh cây vầu bị khuy, chết đồng loạt như vậy. Còn lần đầu tiên cách đây gần 40 năm, đó là vào năm 1987. Những năm gần đây, cây nứa, vầu cũng có hiện tượng ra hoa và chết nhưng mang tính nhỏ lẻ, không đáng kể.”
“Hiện gia đình tôi có 3,7 ha vầu. Thời điểm này, hầu như toàn bộ diện tích này đã ra hoa và sẽ chết hết trong 2-3 tháng tới. Hiện vợ chồng tôi đang tranh thủ thu hoạch “chạy”, được ít nào hay ít đó. Bởi tới khi cây khô hẳn thì không còn giá trị, không thể bán được nữa. Bình thường, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ rừng vầu khoảng 50 triệu đồng nhưng năm nay chắc 20 triệu cũng còn khó khăn vì cây ra hoa thì chất lượng cũng giảm nhiều. Để cây có thể mọc lại và cho thu hoạch thì chúng tôi phải chờ đợi tầm 6-7 năm nữa. Vì vậy, trong những năm tới, để duy trì cuộc sống, có thể tôi sẽ phải đi làm thuê, ai thuê việc gì làm việc nấy. Gia đình tôi cũng có 3 sào ruộng là không lo thiếu gạo ăn. Người dân ở đây hầu hết đều sống từ nghề rừng; do vậy chắc chắn, sau khi thu hoạch xong nứa, vầu vụ này, chỉ người già còn ở làng, thanh niên trai tráng phải tha hương cầu thực, kiếm kế sinh nhai.”- ông Học lo lắng.
    |
 |
Bà Hà Thị Loan, người dân tộc Thái (ngoài cùng bên phải) đang cùng bà con thu hoạch vầu. |
Cũng như ông Học, bà Hà Thị Loan (người dân tộc Thái, 66 tuổi), trú tại bản Yên cùng bà con trong bản đang hối hả thu hoạch rừng vầu trước khi chúng chết khô toàn bộ. Bà Loan cho biết: Gia đình bà có 15 ha đất rừng. Bao năm qua, ông bà sinh sống, nuôi con cũng nhờ cậy toàn bộ vào mảnh rừng này. Nay, nứa vầu đang chết khô, ông bà không biết phải xoay sở ra sao, chắc cũng chỉ tính nhặt nhạnh những cây còn sống sót, "giật gấu vá vai" để chờ vụ mới mọc lên. Vì tuổi cao, sức yếu, không thể đi làm thuê nên họ lo rằng, mình mới thoát nghèo lại quanh quẩn tái nghèo.
Theo Chính trị viên Lê Văn Dân, đồn Biên phòng Mường Mìn (đóng tại bản Yên, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn): Từ cuối năm 2024, rừng vầu, nứa trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng mọc nhiều nhánh nhỏ, vàng lá, ra hoa và chết khô, đó là hiện tượng cây bị khuy sinh học. Cây bị ra hoa hàng loạt khiến người dân không khai thác hết được sẽ rất thiệt thòi, vất vả. Lâu nay, bà con có thể kiếm được mỗi ngày vài trăm nghìn, nhưng khi cây chết khô sẽ không thể bán được. Một vấn đề đáng lo ngại nữa, khi cây bị chết khô sẽ dẫn tới nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt mùa nắng nóng đã cận kề.
Ông Hà Văn Toản, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quan Sơn cho biết: Huyện Quan Sơn có trên 86.000 ha rừng, trong đó, đặc thù rừng trên địa bàn chủ yếu là rừng cây họ tre như luồng, nứa, vầu với tổng diện tích lên tới trên 54,4 ha. Hằng năm, huyện khai thác và tiêu thụ trên 10 triệu cây luồng; từ 5-7 nghìn tấn nứa, vầu dạng nan thanh và trên 500 tấn lâm sản ngoài gỗ khác.
    |
 |
Bao năm qua, bà con đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn sinh kế chủ yếu nhờ vào rừng. |
Với con số trên cho thấy, nứa và vầu là hai loại cây trồng chủ lực của địa phương. Đây từng là sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi huyện này. Nhờ có chất lượng tốt, nên cây nứa, vầu ở Quan Sơn được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chọn làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hoặc làm tăm mành, chân hương. Hiện, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản từ cây nứa, vầu, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp với mức thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, hiện tượng loài cây này đang chết khô hàng loạt đã ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề sinh kế, khiến người dân đang gặp khó. Bà con đang rất cần chính quyền và cơ quan chức năng có biện pháp, hướng dẫn cho họ trong thời gian tới để ổn định cuộc sống.