Lâm Đồng có thế mạnh về sản xuất và chế biến nhiều loại nông sản, đặc biệt là các loại nông sản chủ lực và có thế cạnh tranh cao như trà, cà phê, rau, hoa, bò sữa... Song, điều đó không đồng nghĩa với việc sản xuất và chế biến các loại nông sản khác như điều, dâu tằm, cao su, ngũ cốc... là “phụ”, là ít quan trọng.

Trong chương trình phát triển, Lâm Đồng vẫn xác định việc sản xuất và chế biến các loại nông sản phụ này có những ảnh hưởng nhất định trong phát triển KT - XH của địa phương.
 

Tại một cơ sở ươm tơ ở huyện Lâm Hà
Tại một cơ sở ươm tơ ở huyện Lâm Hà


Nông sản “phụ”
 

Với Lâm Đồng, trong nhiều năm qua, nhiều loại nông sản “tầm vóc” như cà phê, rau, hoa, trà... đã tỏ rõ ưu thế của mình cả từ khâu sản xuất lẫn đến khâu chế biến và tiêu thụ, nhất là trong xuất khẩu. Bởi vậy, việc xác định tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực chế biến, tăng cường chất lượng sản phẩm, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ đối với các loại nông sản này của tỉnh Lâm Đồng trong những năm tới cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng dành cho các loại nông sản khác một vị trí nhất định trong chiến lược phát triển nông nghiệp chung của tỉnh từ khâu sản xuất đến khâu chế biến và tiêu thụ.
 
Trong quy hoạch chế biến nông sản, Lâm Đồng xác định các sản phẩm chủ lực của tỉnh là chè, cà phê, rau hoa và sản phẩm ngành chăn nuôi (chủ yếu là bò sữa). Bên cạnh đó, tỉnh còn có các sản phẩm thuộc các ngành chế biến khác được xem là “phụ” là các sản phẩm như điều, dâu tằm, cao su, ngũ cốc, lương thực... Theo số liệu của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện cả tỉnh có 32.000ha đất được gieo trồng cây lúa, sản lượng hằng năm đạt 160.000 tấn. Cùng đó, cả tỉnh còn có 15.300ha điều, đạt sản lượng 12.240 tấn điều nhân; 3.800ha dâu tằm, sản lượng 46.000 tấn lá tươi; 10.406ha cao su, trong đó có 2.000ha hiện đã cho thu hoạch mủ với sản lượng khoảng 3.400 tấn; và, đáng kể nữa là cả tỉnh cũng đang có hơn 10.000ha cây ăn trái các loại. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 2 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã chế biến hạt điều với công suất chế biến khoảng 10.000 tấn điều thô; có 3 cơ sở chế biến rượu vang có công nghệ chế biến được đánh giá là “quy mô công nghiệp”, trong đó có 1 nhà máy có dây chuyền công nghệ châu Âu với sản lượng 5 triệu lít/năm.
 
Nhìn chung, các loại nông sản được xem là “phụ” và quy mô chế biến các loại nông sản đó của Lâm Đồng vẫn ở mức manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo được thế cạnh tranh đáng kể ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
Nâng cao năng lực chế biến
 
Với các loại sản phẩm nông nghiệp được xem là “phụ” này, vấn đề đáng quan tâm là có không ít sản phẩm đã từ lâu là đặc sản của Đà Lạt như dâu tây, atisô, hồng trái...; hoặc là sản phẩm một thời nổi tiếng của Lâm Đồng như dâu tằm tơ, hoặc đang nổi tiếng và hoàn toàn là thế mạnh như rượu vang...; hoặc đó còn là sản phẩm đầy tiềm năng của Lâm Đồng như thức ăn chăn nuôi, cao su, ca cao... Bởi vậy, không xem nhẹ khâu chế biến các loại nông sản “phụ” bằng cách đưa ra những tiên liệu về sản xuất, chế biến và thị trường là yêu cầu được đặt ra ngay từ lúc này đối với các nhà hoạch định chiến lược của tỉnh Lâm Đồng.
 
Trên cơ sở thực tế, trong vòng 5 năm tới, Lâm Đồng đã đưa ra kế hoạch là sẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư (chủ yếu từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước hoặc tư nhân) để xây dựng mới từ 1 - 2 nhà máy chế biến rau quả đặc sản của Lâm Đồng như dâu tây, atisô, hồng khô... với công suất từ 3.000 - 4.000 tấn nguyên liệu/năm tại Đà Lạt và Đơn Dương. Cũng như vậy, kế hoạch còn đề ra là sẽ xây dựng một số cơ sở hoặc nhà máy chế biến nấm xuất khẩu có công suất 1.500 - 3.000 tấn/cơ sở (nhà máy)/năm tại hai địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào là Đơn Dương và Bảo Lộc.

Về sản xuất đồ uống, dựa trên thế mạnh sẵn có của mình, từ nay đến năm 2020, ngoài việc nâng công suất và hiện đại hóa dây chuyền công nghệ các nhà máy chế biến rượu vang, rượu mùi và nước ép trái cây thì Lâm Đồng còn đưa ra kế hoạch thu hút đầu tư xây dựng mới 1 - 2 cơ sở chế biến rượu vang tại Đà Lạt và Đức Trọng có công suất từ 3 - 5 triệu lít mỗi năm; đầu tư xây dựng một số cơ sở sản xuất nước ép trái cây và rượu mùi tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Đơn Dương.

Về chế biến tơ tằm, tỉnh sẽ khôi phục lại các cơ sở ươm tơ công nghiệp tại Bảo Lộc cùng với việc từng bước chuyển ươm tơ thủ công sang ươm tơ cơ khí và tự động để nâng cao chất lượng tơ nhằm hướng tới các thị trường cao cấp như Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ; đặc biệt, sẽ thu hút đầu tư để xây dựng mới một nhà máy chế biến tơ tằm tại TP Bảo Lộc với công suất 2.000 tấn/năm.

Chưa hết, tỉnh Lâm Đồng trong 5 năm tới cũng sẽ thu hút đầu tư để xây dựng 2 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, một tại Đức Trọng có công suất 20.000 - 30.000 tấn/năm (về lâu dài có thể nâng lên 40.000 - 50.000 tấn/năm) và một tại Đạ Tẻh có công suất 20.000 tấn/năm; trong đó, tỉnh đặc biệt ưu tiên việc sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất. Thêm vào đó là các cơ sở (nhà máy) chế biến điều, cao su, ca cao, lúa gạo... tại các huyện gắn với vùng nguyên liệu của địa phương như điều ở Đạ Huoai, ca cao ở huyện Cát Tiên, lúa gạo ở Đạ Tẻh... cũng sẽ được tỉnh Lâm Đồng ưu tiên mở rộng cơ sở sẵn có hoặc xây dựng mới.       
 
Với định hướng phát triển như trên vừa nêu, hy vọng vào năm 2020, Lâm Đồng sẽ có thêm một thế mạnh mới góp phần chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp sang một bước ngoặt mới theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
 

Theo Báo Lâm Đồng
.