Không ngoài dự đoán, chỉ đến hết tháng 11, theo số liệu của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh đã cán đích 1,35 tỷ USD, vượt xa so cùng kỳ của năm trước đến 40% và vượt cả kế hoạch của cả năm 2014.  

 


Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế

Công bằng mà nói, dù các mặt hàng chủ lực của tỉnh thời gian qua có mức tăng trưởng khá nhưng các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm ưu thế trong tổng cơ cấu KNXK của tỉnh. Theo số liệu của Sở Công thương, trong tổng KNXK của tỉnh đạt được đến thời điểm hiện nay, DN FDI vẫn chiếm trên 52%, còn lại là các DN trong nước.

Tất nhiên, sự tăng trưởng mạnh về XK của các DN FDI cũng bắt nguồn từ chính sách thu hút đầu tư thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều DN mới đã và đang đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung của tỉnh như Tân Hương hay Long Giang. Sự đóng góp của các DN FDI đầu tư mới trong các lĩnh vực da giày, may, ống đồng đã chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị XK của tỉnh.

Trái ngược với các DN trong nước, các DN FDI luôn có giá trị XK tăng vọt trong những năm gần đây. Số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 2011 nhóm DN này chỉ chiếm 21%, đến năm 2013 đã chiếm 47% và đến thời điểm tháng 11-2014 đã chiếm 52%. Thực ra, tỷ trọng của các DN FDI ngày càng tăng là do từ cuối năm 2012, các DN tại KCN Tân Hương và Long Giang bắt đầu XK với sản lượng, kim ngạch lớn và giá cao. Đây cũng là những mặt hàng XK mới của tỉnh.

Chỉ tính riêng mặt hàng ống đồng, trong 11 tháng qua đã mang lại giá trị XK 147 triệu USD, tăng 36% về trị giá; mặt hàng túi xách đã đạt giá trị 215 triệu USD, tăng gấp đôi về giá trị. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Túi xách Simone Việt Nam Tiền Giang tại Khu công nghiệp Tân Hương, công ty đã đưa vào hoạt động thêm 4 dây chuyền sản xuất mới, nên giá trị XK còn có thể tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, số lượng DN FDI mới tham gia XK không nhiều nhưng mang lại giá trị XK khá cao và đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng chung trong giá trị XK toàn tỉnh. Cũng cần phải lưu ý rằng, đối với các DN FDI, mặc dù giá trị XK đã tăng rất cao, nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sản xuất, nên thực chất giá trị mang lại cho địa phương không lớn, chủ yếu là giải quyết lao động.

Trên bình diện chung, mặc dù KNXK của tỉnh tăng ở mức khá cao nhưng vẫn còn nhiều bất cập, là do XK chủ yếu tăng theo chiều rộng, nhiều nhóm ngành có lợi thế của Tiền Giang lại tăng không đồng đều và có xu hướng giảm; khối DN FDI tăng nhanh trong khi nhóm DN Nhà nước lại giảm. Do vậy, giải pháp để đẩy mạnh XK các mặt hàng theo chiều sâu, theo hướng sản phẩm giá trị gia tăng cũng cần được tính đến.

 

Theo Báo Ấp Bắc

.