5 tháng qua, giá trị xuất khẩu rau, quả ước đạt 1,38 tỉ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

 


Nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến sâu cũng như nỗ lực của nông dân trong áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn: VietGap, Global Gap, rau quả hiện nay đã có chỗ đứng vững chắc, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, với chuỗi cung ứng khép kín từ khâu nguyên liệu, thu mua, chế biến đến kinh doanh sản xuất, sản phẩm đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới. Phương châm của doanh nghiệp là muốn hợp tác với nước ngoài thì phải làm sản phẩm chất lượng và giữ uy tín.

"Chúng tôi xây dựng vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh đầu tư có trọng điểm. Đối với doanh nghiệp chế biến thực phẩm nói chung kể cả sản xuất nội địa và xuất khẩu đều phải đạt yêu cầu chất lượng lên hàng đầu. Sản phẩm an toàn chất lượng mới có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu" - ông Đinh Cao Khuê cho biết.

Một số chuyên gia cho rằng, giá trị xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, châu Âu tiềm năng gấp nhiều lần so với thị trường Trung Quốc, nhưng rủi ro cũng rất cao. Đã có nhiều bài học khi doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả sang một số nước châu Âu bị trả về do không đáp ứng tiêu chuẩn và chỉ còn biết giảm giá để “bán tống bán tháo” tại thị trường trong nước. Vì thế, vấn đề kiểm soát chất lượng, mẫu mã và kiểm dịch thực vật cần phải được đáp ứng nghiêm ngặt.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phân tích: "Chúng ta sẽ phải thay đổi quan niệm trong sản xuất, và cách tổ chức chuỗi cung ứng. Trong đó mỗi khâu đều phải có tiêu chuẩn phòng ngừa rủi ro, có thiết bị, có chuyên gia và cuối cùng khi hàng chúng ta đến thẳng thị trường các nước thì đã đáp ứng quy chuẩn thị trường đó, với mỗi tiêu chuẩn đều có biện pháp phòng ngừa rủi ro".

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tiềm năng xuất khẩu rau quả thời gian tới là rất lớn. Đây là một trong những mặt hàng chủ lực để tạo bước đột phá trong tái cơ cấu ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Chủ trương của Bộ tập trung xúc tiến công nghệ những nhóm nông sản chủ lực. Đây là khâu then chốt để ngành tổ chức lại sản xuất theo quy mô vùng để tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh và mở cửa thị trường xuất khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Rau quả còn tăng trưởng hơn nữa. Để làm tốt điều này cần phải nhân rộng và nhanh các mô hình liên kết đầu tư nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở doanh nghiệp làm nòng cốt, tập trung các yếu tố đầu vào áp dụng khoa học công nghệ từ khâu giống, tổ chức sản xuất cho đến khâu chế biến và mở thị trường thương mại và từ nòng cốt của doanh nghiệp sẽ liên kết với các hợp tác xã của nông dân với các trang trại hình thành những vùng nguyên liệu tập trung qua đó tái cơ cấu nông nghiệp trong đó có ngành hàng rau quả".

Việc bứt phá trong tăng trưởng các ngành hàng nông sản của Việt Nam trong đó có rau quả còn phụ thuộc nhiều vào sự duy trì của giá trị xuất khẩu cũng như không có sự thay đổi đột biến về thị trường. Với sự chủ động của doanh nghiệp và người dân trong liên kết chuỗi giá trị sản xuất rau quả an toàn cùng với sự việc nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mục tiêu rau quả bứt phá, đạt mốc 3 tỉ USD về xuất khẩu trong năm nay hoàn toàn có cơ sở đạt được./.
 

Theo Minh Long/VOV

.