(BVPL) - Các kênh kinh doanh truyền thống trước đây như phân phối hàng qua đại lý, cho người tiếp thị sản phẩm đến tận nơi hay tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm tiếp cận khách hàng… vẫn phát huy tác dụng nhưng không nhiều. Trong năm 2016, nhiều nhà bán lẻ, các đơn vị doanh nghiệp đã bắt đầu lập website, “trưng” các mặt hàng của mình lên mạng để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thương mại điện tử phát triển mạnh

Trong hai năm trở lại đây, xu hướng kinh doanh trên mạng phát triển khá rộng rãi và tạo được niềm tin của một bộ phận người tiêu dùng. Trong năm 2016, theo nhận định, nhiều khả năng thương mại điện tử vẫn tiếp tục phát triển. Trong định hướng phát triển, rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị phân phối cho biết đã bắt đầu tìm đến việc làm thương mại điện tử và coi đây là một mũi nhọn để tiếp thị, quảng bá và giữ chân khách hàng trong bối cảnh thị trường đầy cạnh tranh và mạng internet phát triển rộng khắp như hiện nay.

Có thể dễ dàng nhận thấy, bán hàng online là một trong những cách tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất hiện nay. Tuy nhiên, chi phí giao hàng lại hơi cao. Do vậy, nhiều đơn vị phân phối đã kết hợp với nhau trong việc giao hàng để giảm tải chi phí hàng hóa nhằm thu hút khách hàng. Từ lâu, mỗi công ty, đơn vị hay doanh nghiệp đều có một trang website riêng của mình để giới thiệu thông tin, quảng bá hình ảnh cho đơn vị mình. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển hiện nay, rất nhiều đơn vị đã tiến hành đăng ký thương mại điện tử với Bộ Công thương để ngoài việc giới thiệu quảng bá thì mục đích chính là bán sản phẩm trên chính website của mình.

 

 Thương mại điện tử ngày càng chiếm được cảm tình của nhiều người tiêu dùng.
Thương mại điện tử ngày càng chiếm được cảm tình của nhiều người tiêu dùng.


Ông Lương Vạn Vinh, Giám đốc Công ty Mỹ Hảo cho biết, mới đây, Công ty cũng đã thành lập một website để bán hàng. Ngoài những kênh bán hàng truyền thống mà Công ty đã áp dụng hơn 30 năm qua, thì thương mại điện tử cũng được xác định là một trong những mũi nhọn để tiếp cận khách hàng trong năm 2016. Ông Vinh cho biết, tất cả các sản phẩm của Công ty sẽ được công khai giá bán trên website, với hóa đơn hàng từ 300.000 đồng trở lên, khách sẽ được giao tận nhà. Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng các mặt hàng của Công ty Mỹ Hảo đều khá bình dân, nếu như cộng chi phí giao hàng vào mỗi đơn hàng thì giá sẽ bị “đội” lên. Do vậy, phía Công ty cũng đang tính toán đến việc phối kết hợp với các công ty bạn để giảm chi phí một cách tối đa cho người tiêu dùng.

Có thể dễ dàng điểm danh rất nhiều công ty đã thành lập website để giới thiệu sản phẩm và tham gia vào thị trường thương mại điện tử như: Công ty ong Miền núi, Công ty chè Nguyên Sinh… Không chỉ doanh nghiệp mà rất nhiều tiểu thương ở các chợ cũng bắt đầu tập tành kinh doanh trực tuyến, điển hình như tiểu thương ở chợ Bến Thanh (Quân 1, TP. Hồ Chí Minh). Được biết, từ tháng 6 năm 2014, các tiểu thương ở đây đã bắt đầu đề cập đến việc ra một website riêng để đem hàng lên đó giới thiệu và bán luôn cho khách du lịch ở mọi miền Tổ quốc.

Hiện, có thể nhận thấy mạng lưới internet phủ sóng rộng khắp, thêm vào đó, điện thoại thông minh, laptop…có mặt ở khắp nơi nên việc tiếp cận sản phẩm khi doanh nghiệp “trưng” lên mạng là khá dễ dàng. Không chỉ doanh nghiệp mà người tiêu dùng cũng có niềm tin về thương mại điện tử trong năm 2016.

“Đánh trúng” tâm lý khách hàng

Hiện nay, người tiêu dùng đã khá quen với việc mua bán trên mạng. Rất nhiều chị em nội trợ đã mua thịt cá rau củ quả ở những trang bán hàng cá nhân. Như vậy, nếu như các đơn vị có một website bán hàng, chắc chắn người tiêu dùng sẽ được chăm sóc kỹ hơn, và nếu như website có đội ngũ được đào tạo chuyên biệt để trả lời giải đáp khúc mắc của khách hàng thường xuyên thì chắc chắn người mua và người kinh doanh sẽ có sự tương tác thường xuyên, dễ dàng hiểu nhau, từ đó đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của nhau. Đây là điều mà những kênh bán hàng truyền thống chưa làm được.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết so với các mặt hàng thời trang và điện máy, bán hàng tiêu dùng online sẽ khó khăn hơn vì tâm lý của khách hàng. Tuy nhiên, xu hướng con cá, bịch bột giặt... lên mạng bên cạnh kênh truyền thống là tất yếu và cũng nằm trong kế hoạch của Saigon Co.op.

Đẩy mạnh bán lẻ online từ sớm nhưng đại diện Saigon Co.op cho biết vẫn đang tiếp tục dự án hoàn thiện hơn. Không phải bán tất cả các mặt hàng mà tập trung vào khoảng bảy nhóm hàng chính như: thực phẩm, hàng gia dụng, nội thất, may mặc...


Đây là nhóm hàng mà theo nghiên cứu thị trường cho thấy đây là xu hướng sẽ phát triển mạnh trong năm 2016.

Vấn đề đặt ra thách thức đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam là khi kinh doanh online thì phải nhận thức được đầy đủ vai trò online trong hoạt động marketing. Bên cạnh đó, để bán được hàng thì phải có chiến lược phát triển cụ thể từ việc xây dựng website, phát triển đội ngũ nhân viên hiểu về bán hàng online để ứng dụng trong việc chăm sóc và phát triển mạng lưới khách hàng.
 

Hữu Bắc

.