Tính toán theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đơn giá đối với xăng nhập khẩu trong quý I/2016 giảm khoảng 31% so với cùng kỳ, trong khi mức bán lẻ trong nước chỉ hạ 16,5%.
   


Dù ở mỗi thời kỳ, chính sách về thuế phí, trích và sử dụng quỹ bình ổn giá được thực hiện khác nhau song số liệu nêu trên cho thấy người tiêu dùng trong nước không được hưởng lợi tương xứng từ đà giảm của giá xăng dầu thế giới.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn xăng dầu các loại, tăng 12% so với cùng kỳ 2015. Giá nhập khẩu bình quân các sản phẩm này cũng giảm 39,5% so với cùng kỳ, khiến giá trị nhập khẩu giảm 33,1%, xuống 935 triệu USD.

Số liệu cũng cho thấy nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường được miễn giảm thuế thời gian qua do việc Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do tăng mạnh: Singapore với 1,39 triệu tấn, tăng 30,4%; Malaysia là 451.000 tấn, gấp 3,4 lần; Thái Lan tăng nhẹ và đạt 274.000 tấn... Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 31,1% xuống 306.000 tấn do không được hưởng ưu đãi thuế.

Ở chiều ngược lại, lượng dầu thô xuất khẩu trong quý I/2016 của cả nước đạt 1,82 triệu tấn, tương đương 498 triệu USD (giảm 17,4% về lượng và 47,2% về giá so với cùng kỳ). Tổng cục Hải quan cho biết, lượng dầu thô xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến trong 3 tháng qua với 1,2 triệu tấn, đạt 323 triệu USD (tăng lần lượt 253% và 130% so với cùng kỳ). Với kết quả này, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Việt Nam.
 

Theo vnexpress

.