Lương cơ bản đã tăng lên từ 1/7, nhưng khi lương mới tăng thì giá điện, nước, gas, xăng… Lương tăng lên ít nhưng nỗi ám ảnh giá tăng theo lương khiến cho người dân không khỏi lo lắng.
 


"Mọi chi tiêu chỉ gói gọn vào đồng lương của vợ. Bây giờ, con sắp ra đời. Nghe tin điện nước, xăng lại tăng. Hai vợ chồng đã tính đến phương án thuê khu trọ ở cho đỡ chi phí", anh Tuấn nói.

Chị Mai Thanh Dung (Quận Bình Thạnh – TP. Hồ Chí Minh) cho hay: “Nỗi lo của của hầu hết người dân bây giờ không hẳn chỉ là chỉ số công tơ điện và nước tháng nay hết bao nhiêu số. Hiện nay ra chợ nhiều mặt hàng đã vịn theo giá xăng để tăng lên đôi chút, tiếp đến giá điện, giá nước tăng lên thì có lẽ mức tăng sẽ được nâng cấp hơn nữa”.

Vì thế, thông tin lương tăng người dân chưa kịp mừng thì giá điện, nước tăng và làn sóng tăng giá kiểu “tát nước theo mưa” sẽ là bài toán khó cho những hộ dân thu nhập thấp trong việc chi tiêu cho cuộc sống.

Mở đầu là giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng tại thị trường TP.HCM được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng 1.083đ/kg, tương đương 13.000đ/bình 12kg (đã bao gồm thuế VAT) so với tháng Sáu. Với mức tăng này, giá mỗi bình gas 12kg dao động quanh mức 375.000 - 380.000đ.

Đại điện DN kinh doanh gas giải thích, giá gas bán lẻ tăng là do giá gas hợp đồng tháng Bảy tăng 35 USD/tấn so với tháng Sáu, lên mức 792,5 USD/tấn. Ngoài ra, việc tỷ giá ngoại tệ được công bố tăng cũng ảnh hưởng đến giá gas bán lẻ trong nước tháng này.

Giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã có dấu hiệu tăng lên tại các siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi. Một số điểm đã điều chỉnh các mặt hàng thực phẩm tăng từ 8-10%, trong khi các mặt hàng phi thực phẩm tăng phổ biến ở mức 10% so với giá cũ. Nếu giá điện và xăng tiếp tục tăng thì các cơ sở này khó giữ được mức giá hiện nay.

Theo đại diện của một chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods, đơn vị này cũng nhận được đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp. Từ phía các nhà sản xuất, việc tăng giá cũng đang được tính đến. Mặc dù từ cuối năm ngoái đến nay, công ty không tăng giá bán sản phẩm dù áp lực đầu vào lớn. Tuy nhiên đến thời điểm này thì khó lòng trì hoãn thêm.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food cho biết: “từ đầu tháng 7, áp lực đầu vào như điện tiếp tục điều chỉnh, xăng đã tăng lên, tiếp đến các chi phí khác cũng tăng. Trong khi đó lương công nhân cũng chuẩn bị tăng lên nên không còn cách nào khác, phương án tăng giá cũng được tính đến”.

Vẫn là quy luật bất thành văn, đồng thời cũng là một nghịch lý buồn khi tăng lương là hiệu ứng tăng giá dây chuyền kiểu domino vẫn luôn ám ảnh người tiêu dùng, giờ lại càng gia tăng với diện rông và tốc độ ngày một nhanh.

Nền kinh tế đang cần kích cầu để thoát khỏi sự trì trệ nhưng nếu giá cả đe dọa tăng sẽ khiến người dân cũng chùn tay với chi tiêu. Chi phí đầu vào tăng khiến sức mua tiếp tục ì ạch, tồn kho lại tăng cao sẽ khiến nền kinh tế, DN và người dân còn luẩn quẩn trong vong khó khăn.
 

Theo Vietnamnet