Tính chung quý 1/2016 xuất siêu 776 triệu USD nhưng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,05 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,83 tỷ USD.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tính chung quý 1/2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 37,9 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm tỷ trọng 46,2%.
Về thị trường xuất khẩu quý 1/2016, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc vẫn là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch tăng so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN và Nhật Bản giảm, trong đó ASEAN đạt 4,2 tỷ USD, giảm 9,9%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 0,4%.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu quý 1/2016 ước tính đạt 37,1 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn bao gồm: nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 34,1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 3 tỷ USD, giảm 6,3% và chiếm 8,1%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, trong quý 1/2016, ngoài thị trường Hàn Quốc, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ hầu hết các thị trường lớn đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý 1 với 10,4 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ thị trường ASEAN đạt 5,4 tỷ USD, giảm 5,8%; từ Nhật Bản đạt 3,3 tỷ USD, giảm 8,8%; EU đạt 2,2 tỷ USD, giảm 14,5%...
Cán cân thương mại hàng hóa, tính chung quý 1/2016 xuất siêu 776 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,05 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,83 tỷ USD.
Trước đó, tại buổi họp Chính phủ thường kỳ ngày 26/3, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lưu ý về những dấu hiệu không thuận lợi trong bức tranh xuất khẩu của quý 1/2016, cụ thể là tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 4,1% và thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,9% của cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, mặt hàng dầu thô, nguồn thu chính của ngân sách Nhà nước đã giảm tới 52,8%. Trong khi đó, nhập khẩu nhóm thiết bị máy móc, nguyên vật liệu là đầu vào của sản xuất cũng suy giảm... điều này sẽ tác động xấu đến hoạt động đầu tư và sản xuất trong nước.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu không có nhiều giải pháp trong điều hành vĩ mô, nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và tạo sự đột phá trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thì năm 2016, tốc độ tăng GDP sẽ không đạt được mức 6,7% mà Quốc hội đề ra.
Theo Dân trí