(BVPL) - Tỉ lệ dân số Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng”. Theo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 48 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay có thể dễ dàng nhận ra rằng, chúng ta chưa tận dụng được “cơ hội vàng”. Nếu như Việt Nam không nhanh chóng khắc phục, để tình trạng này kéo dài thì lao động Việt Nam sẽ bị thua trên sân nhà khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (APEC) ra đời.

 


TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc giáo dục, đào tạo, môi trường xã hội và lao động hình thành nên tác phong công nghiệp. Lực lượng lao động Việt Nam rất lớn, lại rẻ nên các cơ quan quản lý chưa quan tâm đúng mức tới định hướng nâng cao chất lượng và ý thức lao động. Nhìn vào thực trạng giáo dục của nước ta hiện nay có thể thẳng thắn nói rằng, chúng ta đang đào tạo để lấy lệ, các trường không có sự cạnh tranh nhau để tạo ra lao động chất lượng tốt hơn. Đào tạo nghề không theo nhu cầu thị trường mà chỉ đào tạo cho có. Thậm chí, xuất hiện tình trạng người lao động đi học chỉ để cho oai, chỉ để lấy bằng và các loại chứng chỉ để cho bộ hồ sơ “đẹp” mang đi xin việc.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, thời điểm này, Việt Nam cần nhìn thẳng vào vấn đề, vào chất lượng giáo dục để thay đổi, mà phải thay đổi từ gốc, từ giáo dục phổ thông trở lên cho đến đại học và trên đại học. Chúng ta là một đất nước nông nghiệp, lao động trẻ và dồi dào, tại sao chúng ta lại bỏ phí? Vì vậy, giải pháp trước mắt và đồng bộ lúc này là cần khẩn trương đào tạo để nâng cao chất lượng và năng suất lao động, trước tiên là trong ngành Nông nghiệp.

Bên cạnh đó cũng phải có những chính sách hợp lý đi kèm, ví dụ như chúng ta phải kết nối các chính sách phát triển ngành và các chính sách việc làm nhằm duy trì tăng trưởng nền kinh tế. Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh tư vấn việc làm để định hướng cho lao động cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), muốn nâng cao năng lực cạnh tranh không còn cách nào khác là nâng cao năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Có nguồn lao động chất lượng, kỹ thuật công nghệ hiện đại, trình độ quản lý chuyên nghiệp và hiểu biết thị trường lao động các nước, chắc chắn chúng ta sẽ chủ động và thành công trong quá trình hội nhập.
 

Hữu Bắc

.