leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự án (sửa đổi), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Sau 10 năm thi hành, Luật Chứng khoán đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt trong việc tạo khung khổ pháp lý cao nhất, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; từ đó làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường.

Tuy nhiên, thực tế, một số tồn tại, hạn chế đã phát sinh chủ yếu do sự chưa tương thích với một số thông lệ quốc tế, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu thống nhất, đồng bộ với quy định liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung,...

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng.

Đối với nội dung cụ thể về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết cơ quan thẩm tra có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần nâng điều kiện về mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng để phù hợp với quy mô thị trường hiện tại và nâng cao chất lượng của các công ty đại chúng. Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định tăng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ hạn chế quyền huy động vốn của doanh nghiệp.

Trước 2 luồng ý kiến này, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành việc nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa vào thị trường chứng khoán và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy mô thị trường chứng khoán hiện tại.

Vì vậy, Chính phủ xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.

Một trong những nội dung được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết là việc chào bán chứng khoán ra công chúng được sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

“Tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho phù hợp với tính chất của đợt chào bán. Chuẩn hóa một số điều kiện như: vốn điều lệ đã góp (nâng lên từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng), kết quả hoạt động kinh doanh, quy mô, tần suất phát hành, gắn việc chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán, bảo đảm lựa chọn những công ty có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định, năng lực tài chính tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế” – Bộ trưởng Tài chính nói.

Đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ, dự Luật cũng sửa đổi phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh việc các doanh nghiệp lạm dụng chào bán riêng lẻ thay vì chào bán ra công chúng; quy định rõ đối tượng tham gia chào bán cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ của công ty đại chúng chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược và bị hạn chế chuyển nhượng.

Xuân Hưng