Đó là khẳng định của ông Nguyễn Khánh Quang, Phó cục trưởng trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL), Tổng cục Hải quan tại buổi họp báo chiều ngày 27/12/2018.

leftcenterrightdel
Theo ông Nguyễn Khánh Quang, những tháng cuối năm nhập khẩu phế liệu rất “nóng”  (ảnh: T.D)

Nhức nhối tình trạng doanh nghiệp “ma”

Về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ông Quang cho hay, hoạt động này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, táo bạo, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam.

Qua số liệu công tác kiểm soát Hải quan năm 2018, cho thấy số vụ vi phạm pháp luật Hải quan có sự tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017, đáng chú ý hơn là trị giá hàng hóa vi phạm tăng cao. Các vụ việc vi phạm diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện quốc tế...

Nguyên nhân là do lợi dụng trong việc tạo thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp, nhiều đối tượng đã sử dụng chứng minh thư nhân dân của người khác, làm giấy tờ giả tùy thân, thậm chí của người đã mất để đến làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Đây là khó khăn lớn trong quá trình điều tra của hải quan. Đặc biệt là do cơ quan cấp phép không xác minh kỹ dù cơ quan Hải quan đã có ý kiến nhưng năm 2018 vẫn chưa được khắc phục.

Đáng nói là tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” nhất là trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu vẫn nhức nhối. Ông Quang cho hay, những tháng cuối năm nhập khẩu phế liệu rất “nóng”, cơ quan Hải quan cùng với các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra thì phát hiện thấy, nhiều doanh nghiệp vi phạm trong nhập khẩu phế liệu không phải để sản xuất mà để buôn bán và nhập khẩu vượt hạn ngạch, sử dụng chứng từ giả, phế liệu nhập về không đạt yêu cầu mà là rác thải- những mặt hàng cấm.

Gặp khó khi cả cơ quan chức năng cũng né tránh

Qua điều tra xác minh Cơ quan Hải quan đã khởi tố gần 10 vụ. Cụ thể, hiện Cục Điều tra chống buôn lậu đã khởi tố 4 DN, Cục Hải quan Hải Phòng khởi tố 2 DN và Cục Hải quan An Giang khởi tố 7 đối tượng. Hiện nay đang tiếp tục điều tra xác minh hàng trăm doanh nghiệp khác. “Việc điều tra ngày càng khó khăn hơn do có sự đối phó, tránh né, rồi sự không hợp tác của cả những cơ quan chức năng khác”- ông Nguyễn Khánh Quang chia sẻ và cho rằng, nếu làm hết mình sẽ khởi tố nhiều đối tượng vi phạm trong nhập khẩu phế liệu hơn nữa.

“Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để phát sinh nhiều vụ vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu hay tình trạng phế liệu tồn đọng đầu tiên phải là cơ quan cấp phép. Cụ thể là thuộc về đơn vị cấp phép nhập khẩu phế liệu là Bộ Tài nguyên và Môi trường và các sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố. ” – ông Quang nhấn mạnh và lý giải nếu có giấy phép nhập khẩu thì  doanh nhiệp mới đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu để phục vụ sản xuất và không được phép buôn bán, kinh doanh.

Tuy nhiên, qua một số vụ việc điều tra, xử lý, cơ quan Hải quan nhận thấy, doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu nhưng không hề sản xuất, thậm chí không có nhà xưởng, máy móc sản xuất. Bên cạnh đó, việc cấp phép đối với từng lô hàng có đủ tiêu chuẩn nhập khẩu nhưng thực tế lô hàng nhập không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Đối với tình trạng tồn đọng phế liệu tại các cảng, ông Nguyễn Khánh Quang cũng cho biết thêm, hiện đã tồn đọng hàng chục nghìn container, gây ách tắc, chiếm dụng kho bãi tại các cảng biển, ảnh hưởng đến năng lực thông quan của các doanh nghiệp kinh doanh cảng và cơ quan Hải quan. Lý do tồn đọng phế liệu tại các cảng biển do vượt hạn ngạch, sử dụng giấy tờ giả để nhập khẩu và hàng hóa vi phạm pháp luật.

Để xử lý vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo cụ thể, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, cơ quan liên quan đến khai thác cảng biển. Về phía Bộ Tài chính đã nỗ lực rà soát về thủ tục hải quan đối với tổng số hàng chục nghìn container ùn tắc tại cảng. “Tuy nhiên, việc làm này gặp muôn vàn khó khăn, bởi chủ hàng thường không lộ diện”- ông Quang nói.

Minh Nhật