Vải thiều ở Hà Nội hiện tại chỉ hơn 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên vải thiều "xịn" Thanh Hà, Lục Ngạn được các tiểu thương, siêu thị cho biết, phải đến vài ba hôm nữa mới bước vào chính và tràn về Hà Nội.

 


Cách đây khoảng hơn nửa tháng tháng, vải đầu mùa bán tại một số chợ Cầu Giấy (Hà Nội) hét giá tới 90.000 đồng/kg nhưng sau đó giảm mạnh còn 50.000 đồng, 30.000 đồng, rồi 20.000 đồng/kg và hiện tại ở Hà Nội vải thiều chỉ hơn 10.000 đồng/kg.

Với giá bán này, vải thiều ở Hà Nội đang rẻ hơn cả vải mua tận gốc vùng trồng. Được biết, tại huyện Lục Ngạn, giá vải thiều lai Thanh Hà dao động từ 14.000 đồng đến 17.000 đồng/kg, tuỳ loại. Vải U hồng từ 11.000 - 17.000đ/kg.

Trong khi đó, tại chợ đầu mối Long Biên, Phía Nam, vải thiều chỉ từ 12.000- 15.000 đồng/kg tùy loại. Vải thiều tràn ngập ở các siêu thị, các điểm bán hàng rong, các chợ ở Hà Nội với mỗi nơi một giá, có nơi bán 12.000 nhưng có nơi bán 20.000 trên một kg.

Đại diện truyền thông siêu thị Big C Thăng Long cho biết, đến nay vẫn chưa nắm được kế hoạch cụ thể sẽ tiêu thụ bao nhiêu tấn vải trong năm nay nhưng siêu thị Big C đã bán vải thiều cả tuần nay. Với giá bán thời điểm hiện tại đang ở mức 11.000 đồng/kg.

Theo chị Xuân, một người bán hoa quả tại Chợ Bách Khoa cho biết, hiện tại ở thị trường Hà Nội, vải ngon mới có giá 20.000 đồng còn lại chủ yếu 12.000 đến 15.000 đồng/kg. Nhiều người thắc mắc sao vải mỗi nơi một giá nhưng thực chất quả vải có nhiều vùng trồng, người sành ăn mới biết đâu là vải ngon, vải "xịn".

Vải được ưa chuộng nhất là vải Thanh Hà (Hải Dương), vải Lục Ngạn (Bắc Giang) quả tròn, màu đỏ, hạt bé, cùi dày, ăn ngọt và mọng nước. Giá bán vải thiều “xịn” chắc chắn cao hơn nhưng thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều vải ngon. Vải đang bán chủ yếu quả vàng, cùi mỏng và bị sâu đầu nhiều, được nhập từ các tỉnh khác. Phải đến ngày 10/6 mới bước vào chính vụ thu hoạch, lúc đó vải “xịn” mới tràn về Hà Nội.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) cũng cho biết, hiện nay đa số người dùng không phân biệt được vải Thanh Hà, Chí Linh, Lục Ngạn hay các sản phẩm khác. Vải bán trên thị trường nhiều nguồn gốc, chất lượng khác nhau nhưng vẫn được gắn mác là vải Thanh Hà, Lục Ngạn. Còn người tiêu dùng vẫn có thói quen mua hàng rong, chợ truyền thống với giá rẻ hơn, khiến siêu thị rất khó cạnh tranh.

“Cách đây một vài tuần siêu thị chúng tôi cũng có bán vải đầu mùa như vải U hồng nhưng đến ngày 10/6 tới đây, khi vải thiều Thanh Hà bước vào chính vụ siêu thị sẽ nhập về bán. Chúng tôi cam kết nhập vải Thanh Hà xịn, đảm bảo nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap”, bà Hậu nói.

Tuy nhiên theo bà Hậu, do siêu thị Fivimart chưa có mạng lưới tiêu thụ ở Sài Gòn và một phần sắp tới vải thiều sẽ được bán tràn ngập trên phố nên siêu thị này dự kiến mức tiêu thụ chỉ khoảng 1 tấn vải/ngày.

Đại diện Sài Gòn Co.op cũng cho biết, kế hoạch tiêu thụ vải thiều năm nay tại hệ thống siêu thị có thể lên đến 1.000 tấn, cam kết kết nối với Hợp tác xã, công ty đưa vào thu mua tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Hải Dương vào hệ thống siêu thị.

Tại Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và Hải Dương diễn ra mới đây, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - Lê Hồng Thăng cho biết cùng với chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, Hà Nội sẽ cấp giấy phép cho điểm bán vải thiều lưu động ở các khu đất trống trong thành phố. Khi các đơn vị từ Hải Dương đưa vải thiều lên chỉ cần thông báo bằng tin nhắn điện thoại về biển số xe, chủ xe… lực lượng chức năng Hà Nội sẽ cấp giấy phép để di chuyển đến điểm bán.
 

Theo Infonet

.