Nhiều hộ trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đang lao đao vì vải thiều chín quá nhanh, không kịp hái đã rụng. Mặt khác, các điểm cân của thương lái Trung Quốc tại Bắc Giang cũng hạn chế, giảm thu mua khiến lượng vải tồn kho lớn, giá sụt giảm thê thảm. Điều trái khoáy là tại thị trường TPHCM, giá vải lại đang tăng và người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao.
 


Người trồng vải lại bị bỏ rơi

Thồ ngược thồ xuôi vẫn khó bán được là cảnh tượng PV Báo Lao Động ghi nhận tại chợ vải Lục Ngạn (Bắc Giang) trong ngày 6.7 và cũng là tình cảnh chung của người trồng vải trong những ngày gần đây. Tâm trạng chung của nhiều hộ trồng vải là mệt mỏi, bất an và lo lắng bởi giá vải xuống thấp nhanh hơn dự kiến. Khảo sát tại chợ Lục Ngạn cho thấy, vải thiều đang được bán theo 3 mức giá: Loại vải đẹp có giá dao động 13.000 - 15.000 đồng/kg, loại trung bình 7.000 - 10.000 đồng/kg và loại vải xấu chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Xuân (xã Quý Sơn, Lục Ngạn) cho biết: “Nếu như đầu mùa, vải đẹp có giá từ 24.000 - 25.000 đồng/kg thì nay chỉ bán được 6.000 - 10.000 đồng là cao. Vải xấu giờ bán rẻ như cho, có 3.000 - 4.000 đồng/cân, không đủ bù tiền thuê nhân công. Giờ vải đang chín quá rồi, không vặt kịp thì rụng hết.

Thương lái Trung Quốc về nước, điểm cân còn ít, lác đác xe cóc đến mua rẻ, không bán cho họ cũng chẳng biết bán cho ai”. Cùng tâm trạng, chị Nông Thị Phúc (chợ Kim, Lục Ngạn) lo lắng: “Vải nhà tôi hôm nay bán chỉ 3.500 đồng/cân. Giá rẻ, vải nhiều nên có nhà nản thu hoạch cầm chừng. Có hộ không muốn bán nên cho sấy hết cả mấy tấn vải tươi. Nếu giá cứ tiếp tục đi xuống, công sức cả năm bỏ ra vun trồng, chăm bón coi như công cốc, kết quả thu lại chẳng đáng là bao”.

Thực tế, vải tươi đã rẻ, sấy được quả vải khô trải qua rất nhiều công đoạn nhưng giá cũng không cao hơn là bao. Chưa kể, hai ngày gần đây, trời chuyển mưa dông, nhiều kho vải thiều khô bị ẩm ướt khiến việc tìm đầu ra cho quả vải lại càng khó khăn. Điều đáng nói, bên cạnh việc thương lái Trung Quốc rút bớt về nước, các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ mua cầm chừng. Nhiều hộ trồng vải cho biết, cuối mùa, vải “kém mã” hơn so với thời điểm chính vụ cho nên các doanh nghiệp chỉ mua ở mức cầm chừng, không dám mua số lượng lớn.

Người dùng vẫn phải mua với giá cao

Điều bất ngờ là tại một số siêu thị và chợ ở TPHCM, giá vải hiện đang tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Thời điểm chính vụ, vải được rao bán tại các chợ, siêu thị 20.000 - 25.000 đồng/kg. Hiện vào cuối vụ, với lượng hàng nhập về giảm, giá vải thiều dao động trong khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Tại siêu thị Lotte mart quận 7, vải thiều tươi hiện được bán giá 30.000 đồng/kg. Hệ thống siêu thị co.opmart đang triển khai chương trình bán vải khuyến mãi với giá 25.500 đồng/kg. Còn theo chị Võ Kim Hằng (88 Tô Hiến Thành, quận 10 TPHCM): “Sáng nay đi chợ, tôi vẫn mua vải thiều tươi được bảo quản lạnh với giá 25.000 đồng/kg, còn hàng không được đẹp, vỏ hơi nám đen thì giá thấp hơn một chút, khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg”.

Dẫu vậy theo anh Phú - chủ một sạp hàng tại chợ Tân Mỹ, quận 7: Hiện nhiều người không còn tìm mua vải như hồi chính vụ mà chuyển qua chọn các loại hoa quả khác đang vào mùa. Giá vải ở đây dao động 25.000 đồng/kg nhưng đến cuối giờ chiều vẫn còn chưa bán hết. Quả vải hiện không tiêu thụ được nhiều vì vào cuối vụ, mẫu mã quả vải không còn được đẹp, ngon.

Mức chênh lệch giá vải thiều từ gốc Bắc Giang cho đến nơi tiêu thụ TPHCM như trên cho thấy có một khoảng chênh lệch lớn mà cả người trồng vải và người tiêu dùng đều cùng chịu thiệt. Và điều bất cập này đang đòi hỏi ngành thương mại sớm có giải pháp và công cụ điều hành thị trường cho phù hợp.
 

Theo Lao động

.