Nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm khai trình lao động và tham gia BHXH cho người lao động; do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động. Đáng chú ý tỉ lệ nợ BHXH vẫn còn cao ở các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Đặc biệt, hiện có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, không thể thu hồi và quyền lợi của hơn 193.000 người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị "treo" chưa được giải quyết. Điều đáng lo, theo Tổng LĐLĐ Việt Nam là công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH của tổ chức Công đoàn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, do bất cập của pháp luật.

Theo thông tin từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngày 26-10, cơ quan này đã kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm hướng dẫn các cấp Tòa án về giải quyết các vụ kiện liên quan đến BHXH; các cơ quan có liên quan sớm nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định khởi kiện đòi nợ BHXH. Các kiến nghị này nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác khởi kiện các doanh nghiệp chây ì, trốn đóng BHXH hiện nay.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị: Chính phủ, Cơ quan BHXH cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; quan tâm hướng dẫn và giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn triển khai thi hành Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động... để doanh nghiệp và người lao động yên tâm, tích cực tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (BHTN).

Theo đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; nếu còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm. Các hành vi vi phạm, phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm: trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…

Ngoài ra, Điều 216 còn quy định: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm với các hành vi sau: trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Theo BHXH Việt Nam, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT còn diễn ra phổ biến. Đến tháng 10, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chiếm 6,3% số phải thu. Trong đó, nợ dưới 6 tháng chiếm tỷ lệ cao với 7.300 tỷ đồng; nợ BHYT các đơn vị sử dụng lao động là 1.569 tỷ đồng.

Tính chung, hiện có đến 102.900 đơn vị đang nợ BHXH của 2,6 triệu lao động, tương đương với số tiền 14.700 tỷ đồng. Cơ quan BHXH đã khởi kiện 8.800 vụ với số tiền khoảng 6.000 tỷ đồng.Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ, tương đương với 16% tổng số nợ, số vụ. Các vụ còn lại, Tòa án trả lại hồ sơ.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, nguyên nhân là do quy định pháp luật giao cơ quan BHXH có quyền kiểm tra, xử phạt. Sau kiểm tra, xử phạt, trình tự hành chính xong, Tòa mới giải quyết.Chính vì vậy, Tòa có công văn yêu cầu không thụ lý đơn này nữa vì không đúng quy định của tố tụng hình sự mới được ban hành.

“Sở dĩ có công văn này là xuất phát từ một vụ kiện của cơ quan BHXH nhưng sau đó Viện KSND Tối cao kháng nghị và Tòa án thấy kháng nghị của Viện KSND đúng. Bản án mà Tòa đã xử tuyên phải hủy để đúng trình tự tố tụng”, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật BHXH năm 2014 và gần đây nhất là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định, tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa.

Các tổ chức công đoàn cũng khởi kiện 138 vụ.Trong quá trình xét xử lại gặp vướng mắc về luật. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, đây là vụ kiện dân sự.Bên nguyên đơn và bên bị đơn bình đẳng với nhau theo nguyên tắc “việc dân sự cốt ở đôi bên”, các bên quyền thỏa thuận. Nhưng công đoàn không được quyền thỏa thuận.

Minh Anh