(BVPL) - Việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi là nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng, của khách hàng, các đối tác tham gia chuỗi sản phẩm chăn nuôi và các tổ chức cấp giấy chứng nhận trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tham vấn “Xây dựng khung chính sách thúc đẩy truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi”.
 


Luật An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2010 định nghĩa: “Truy xuất nguồn gốc (TXNG) thực phẩm là việc truy tìm quá trình hình thành và lưu thông thực phẩm”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT quy định về TXNG đối với sản phẩm nông lâm sản. Tuy nhiên, sau 6 năm kể từ ngày được ban hành, hoạt động thực thi về TXNG sản phẩm, trong đó có sản phẩm chăn nuôi còn nhiều khó khăn. Các quy định về TXNG chưa được lồng ghép trong quy định về quản lý ATTP. Mặc dù việc TXNG thực hiện tốt đối với sản phẩm đóng gói, ngành nông nghiệp còn gặp trở ngại trong việc kiểm tra hoạt động TXNG đối với các cơ sở nhỏ lẻ vì rất ít các cơ sở ghi chép dữ liệu.

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã đưa ra một số kiến nghị chính sách về TXNG đối với sản phẩm chăn nuôi như: Cần rà soát và xây dựng hướng dẫn để kết nối các quy định về quản lý chăn nuôi, thú y, ATTP với TXNG. Các công cụ trong quản lý như: thẻ tai, mã số lô động vật chăn nuôi, sổ ghi chép... cần có sự thống nhất trong hoạt động tổ chức thực hiện; Việc TXNG cần được hoàn thiện theo hướng “được theo dõi trong suốt chu kỳ sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm” thay vì theo từng công đoạn như quy định hiện nay; Xây dựng các quy định bắt buộc về các thông tin trong TXNG đối với sản phẩm khi đưa ra thị trường, trong đó các thông tin tối thiểu cần được cung cấp xuyên suốt chu kỳ sản phẩm như: tên cơ sở/trang trại chăn nuôi, tên cơ sở chế biến, giết mổ, đóng gói...; Bổ sung các quy định cụ thể về TXNG nhằm phân biệt giữa các sản phẩm có và không có chứng nhận chất lượng (Vietgap, hữu cơ...) nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở xây dựng hệ thống TXNG.

Dựa trên thực tế về tổ chức chăn nuôi, yêu cầu từ người tiêu dùng hiện nay, cần xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ thử nghiệm xây dựng hệ thống TXNG theo chuỗi giá trị đối với hai sản phẩm lợn và gia cầm trên cơ sở khung truy xuất là xây dựng quy định và thiết lập mã số định danh quốc gia đối với cơ sở sản xuất, giết mổ và kinh doanh. Hệ thống mã số định danh được xây dựng chung theo tỉnh, có sự thống nhất về mã số cơ sở chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh giữa 3 lĩnh vực: quản lý chăn nuôi (mã số trang trại), quản lý ATTP và quản lý thú y; Xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm thông qua hệ thống GSM Modem, cho phép truy cập trực tuyến trên internet thông qua mã số sản phẩm hoặc hệ thống điện thoại thông minh (thông qua mã vạch). Cơ sở chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh cập nhật thông tin qua điện thoại hoặc máy tính.


Khi lòng tin về sản phẩm nông sản của người tiêu dùng bị giảm sút, đặc biệt là về chất lượng, nguồn gốc của thực phẩm thì việc phát triển chăn nuôi theo hướng chất lượng, TXNG các sản phẩm chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo ATTP thực sự là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
 

PV

.