Trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống: Hiện đại nhưng... đìu hiu
Cập nhật lúc 15:26, Thứ ba, 16/07/2013 (GMT+7)
Chuyện các trung tâm thương mại hiện đại kết hợp chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đang "chết yểu" một lần nữa lại được "hâm nóng" tại phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội mới đây. (chợ truyền thống, trung tâm thương mại, kinh doanh ế ẩm, vắng khách)
Chuyện các trung tâm thương mại hiện đại kết hợp chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đang “chết yểu” một lần nữa lại được “hâm nóng” tại phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội mới đây.
Chợ Cửa Nam là trung tâm thương mại (TTTM) kết hợp chợ truyền thống đầu tiên ở quận Hoàn Kiếm- Hà Nội, được đầu tư hơn 200 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Sau khi đưa vào sử dụng, chợ có 10- 11 tầng nổi, 4 tầng hầm, lúc nào cũng đìu hiu.
Đây là những dự án xã hội hóa, vốn do các doanh nghiệp đầu tư nên họ phải thu lại vốn. Do vậy, chi phí đối với các hộ kinh doanh khi vào các TTTM này sẽ cao hơn chợ kiểu cũ. Kết quả là các khu chợ kiểu mới trên địa bàn Hà Nội như: Hàng Da, Cửa Nam, Ô Chợ Dừa… đều vắng hoe, các hộ kinh doanh đòi trả lại mặt bằng.
Theo ông Nguyễn Xuân Chiến- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- mô hình TTTM kết hợp chợ truyền thống hiện mới có ở Hà Nội và Thái Nguyên, nhưng hoạt động thiếu hiệu quả là do quy hoạch và thiết kế chưa phù hợp với thói quen sinh hoạt của người dân.
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: Vì hiệu quả rất thấp nên sau khi rà soát lại, thành phố đã hủy 2 dự án chợ Nghĩa Tân và chợ Hôm- Đức Viên, không xây dựng theo phương án chợ truyền thống kết hợp với TTTM nữa.
Theo Bộ Công Thương, qua 10 năm thực hiện việc phát triển và quản lý chợ, vẫn có khoảng 3% số chợ hoạt động không hiệu quả, nhất là các dự án theo mô hình TTTM kết hợp với chợ truyền thống.
Bà Ngô Thị Doãn Thanh- Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội- cho rằng, chưa thể dẹp được chợ dân sinh trong 5- 7 năm tới vì đó là nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân Thủ đô. Hà Nội phải coi việc xây dựng chợ thương mại, dân sinh là yêu cầu bắt buộc trong xây dựng hạ tầng.
Cũng theo bà Thanh, việc xây dựng các chợ không chỉ thuần túy là vấn đề dân sinh mà còn kéo theo hàng loạt vấn đề, từ phát triển dịch vụ, văn minh đô thị, thu ngân sách, an toàn thực phẩm...
TS Phạm Sĩ Liêm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam- cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu mô hình phù hợp để cải tạo chợ dân sinh. Chẳng hạn như chợ mới được xây dựng cao tầng, nhưng ở tầng 1 không xây tường bao, chỉ là các cột thông thoáng để tạo điều kiện cho các hoạt động mua, bán của chợ truyền thống được thuận tiện.
Ông Lê Hồng Thăng cho biết, một loạt dự án chợ khác đã được yêu cầu giãn tiến độ. Hà Nội đang nghiên cứu tiếp để tìm kiếm mô hình chợ hiệu quả hơn. Với các dự án chợ đang chậm tiến độ do chủ đầu tư, nếu không đủ điều kiện, năng lực thì phải thu hồi!
Theo Lan Anh
Báo Công Thương
.