Giá dừa tại ĐBSCL những ngày gần đây tăng mạnh, khan hiếm do thương nhân Trung Quốc quay trở lại thu gom sau một thời gian vắng bóng. Điều này, làm nông dân trồng dừa phấn khởi do lợi nhuận thu được tăng lên, trong khi đó, doanh nghiệp lại gặp khó vì thiếu nguyên liệu sản xuất.
 


Nông dân trồng dừa phấn khởi

Sau một thời gian dài sụt giảm, gần đây, giá dừa nguyên liệu tại Tiền Giang, Bến Tre đã tăng mạnh trở lại, vượt qua cả mức giá hồi tháng 3 rồi.

Ông Nguyễn Văn Mười, thương nhân mua dừa tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre, cho biết hiện dừa nguyên liệu có giá 70.000 – 80.000 đồng/chục 12 trái (tùy loại, mua tại vườn) và 85.000 – 90.000 đồng/chục 12 trái (mua tại vựa), tăng 10.000 – 20.000 đồng/chục 12 trái so với mức giá hồi tháng 3 rồi.

Đối với cơm dừa nguyên liệu, ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (BETRIMEX), cho biết hiện được doanh nghiệp của ông thu mua để chế biến cơm dừa nạo sấy xuất khẩu với giá 12.000 – 13.000 đồng/kí lô gam, tăng 500 – 1.000 đồng/kí lô gam so với tháng 3 vừa qua.

“Thời gian gần đây, thương nhân Trung Quốc tăng cường đưa tàu vào đây (vùng dừa Bến Tre) mua dừa nguyên liệu, dẫn đến khan hiếm nguồn cung. Bên cạnh đó, năm nay dừa thất mùa và đang vào giai đoạn “treo cổ”, tức là mùa cho sản lượng ít nên giá tăng cao”, ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre (BTCA) lý giải nguyên nhân giá dừa tăng mạnh.

Dừa nguyên liệu tăng giá, nông dân rất phấn khởi do lợi nhuận thu được tăng lên. Ông Nguyễn Văn Đàng, nông dân trồng dừa ngụ tại xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết: “Hiện mỗi chục dừa bán ra, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân chúng tôi lãi khoảng 60-70%. Ví dụ, mỗi chục dừa 12 trái có giá 100.000 đồng/chục thì chúng tôi lãi 60.000 – 70.000 đồng”.

Tuy nhiên, ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch BTCA, cho biết do đa số nông dân trồng dừa có diện tích nhỏ, chỉ vài ngàn mét vuông/hộ, cho nên dù giá bán tăng cao nhưng tổng thu nhập của nông dân vẫn còn thấp.

Doanh nghiệp hoạt động 30-40% công suất

Ông Đức của BETRIMEX cho biết: “ Chuyện thương nhân Trung Quốc tranh mua nguyên liệu với doanh nghiệp trong nước đã có từ lâu, họ gom mua từ dừa trái, chỉ sơ dừa cho đến than gáo dừa… Tuy nhiên, đặc biệt ở năm nay, sản lượng dừa thấp kết hợp với chuyện này (tranh mua của thương nhân Trung Quốc) làm biến động giá, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn rất nhiều”.

Theo ông Đức, BETRIMEX hiện có 3 nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy xuất khẩu với công suất chế biến 80 tấn nguyên liệu/ngày, tuy nhiên, hiện chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 30% công suất. “Dù công suất chạy đến 80 tấn nguyên liệu/ngày nhưng chúng tôi chỉ mua được hơn 20 tấn/ngày, thậm chí có ngày chỉ mười mấy tấn”, ông Đức cho biết.

Ông Sang của BTCA thì cho biết: “Tại cuộc họp ngày 16-5-2013 do Sở Công Thương tỉnh Bến Tre tổ chức, nhiều doanh nghiệp phản ánh với tôi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong thu mua nguyên liệu và chỉ còn hoạt động cầm chừng 30-40% công suất”.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy tại Bến Tre, không chỉ gặp khó trong việc thu mua nguyên liệu do phải cạnh tranh với thương nhân Trung Quốc, đầu ra sản phẩm cũng đang khó khăn, đặc biệt khi giá sản phẩm cơm dừa nạo sấy của Việt Nam hiện cao hơn các nước trong khu vực.

“So với Indonesia, mặt hàng cơm dừa nạo sấy của mình (Việt Nam) hiện cao hơn họ đến 150 -200 đô la Mỹ/tấn, do đó, doanh nghiệp cạnh tranh không lại”, ông Đức cho biết.
 

Theo Trung Chánh
TBKTSG