Khi sản lượng thu hoạch quá nhiều trong cùng thời điểm sẽ dẫn đến tình trạng cung - cầu mất cân đối, khiến nông sản rớt giá. Với hướng đi rải vụ đối với trái nhãn, đã tạo đòn bẫy nâng cao giá nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

 

 

Thông thường, với cách sản xuất truyền thống, nông dân trồng nhãn tiến hành thu hoạch trái từ tháng 6 – 9 của năm (mùa thuận). Điểm thuận lợi khi sản xuất mùa này là người nông dân dễ điều khiển nhãn ra hoa, tỷ lệ cây cho trái cao. Tuy nhiên, việc nhiều nhà vườn cùng sản xuất trong mùa thuận sẽ gây ra hiện tượng cung vượt cầu, ảnh hưởng rất lớn đến giá nhãn. Hiện nay không phải chỉ có Đồng Tháp mới có nhãn, một số địa phương trong nước cũng sở hữu nông sản này với sản lượng khá cao, chưa tính đến trên thế giới cũng có 5 nước canh tác sản phẩm này.

 

Ngoài ra, việc trùng thời điểm thu hoạch nhãn giữa địa phương và những nước lân cận cũng khiến giá nhãn sụt giảm. Được biết, mùa nhãn nước Mỹ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 8, chủ yếu được bán tại New York và Los Angeles, nơi có cộng đồng người châu Á khá đông. Hiện tại, nhãn địa phương chỉ mới “cập bến” thị trường Mỹ từ năm 2015, vì vậy nếu nhà vườn cung ứng cho thị trường thời điểm mùa thuận với sản lượng lớn sẽ trùng với giai đoạn thu hoạch của nhãn Mỹ, dẫn đến nguy cơ giá nhãn xuất khẩu bị tuột dốc, thiếu đầu ra.

 

Nhằm “né” hiện tượng “dội chợ”, ngành nông nghiệp tỉnh hướng đến thực hiện nhãn rải vụ, sản lượng nhãn được phân phối cho cả 2 mùa: vụ thuận và vụ nghịch. Dù năng suất mùa nghịch (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau) không cao bằng mùa thuận nhưng tiềm năng của mùa nghịch là đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu tiêu thụ cho thị trường quanh năm. Đồng thời, do sản lượng được dàn trải đều quanh năm nên cán cân cung cầu không chênh lệch nhiều, giá nông sản vẫn giữ ở mức cao, người nông dân tăng cao lợi nhuận. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) tỉnh, giá nhãn mùa nghịch bán cao hơn mùa thuận từ 22 triệu đồng/ha đối với nhãn da bò và cao hơn đến 60 triệu đồng/ha đối với nhãn Edor.

 

Ông Trương Văn Rồi - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nhãn Châu Thành cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu sản lượng nhãn tiêu thụ quanh năm cho doanh nghiệp, HTX khuyến cáo các thành viên tiến hành rải vụ. Tuy nhiên, cái khó trong cách làm này là đòi hỏi người nông dân phải sở hữu những kinh nghiệm cũng như kỹ thuật để xử lý ra hoa trong mùa nghịch. Ngoài ra, hiện tại nhà vườn nào cũng muốn sản xuất vào mùa nghịch để hưởng được giá bán cao. Vì vậy, HTX nhãn Châu Thành đang tìm doanh nghiệp phối hợp thực hiện bán tiêu thụ với giá thỏa thuận nhằm cân bằng lợi nhuận giữa hai mùa vụ”.

 

Theo Sở NN&PTNT, diện tích trồng nhãn của tỉnh năm 2015 là gần 4.500ha, trong đó chiếm diện tích lớn nhất là Châu Thành trên 3.000ha, với các giống nhãn phổ biến Edor và tiêu da bò. Nhằm nâng cao giá sản phẩm nhãn, các địa phương có diện tích nhãn trong tỉnh áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa rải vụ, chiếm 53% diện tích nhãn toàn tỉnh.

 

Ông Phan Văn Sum - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho hay: “Nhãn Châu Thành đứng trước cơ hội về đầu ra sản phẩm ổn định, giá vẫn giữ mức cao, nhưng để sản phẩm nhãn tiếp tục phát triển, huyện tiến hành sản xuất nhãn rải vụ. Cách làm này sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho doanh nghiệp quanh năm và trái nhãn không chịu áp lực đầu ra khi thị trường không như mong đợi”.

 

Với những thành công từ việc thực hiện sản xuất rải vụ đối với trái nhãn, năm 2016, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến cáo nhà vườn trồng nhãn thực hiện rải vụ. Theo kế hoạch, có khoảng 60% diện tích nhãn thu hoạch mùa nghịch và 40% diện tích phục vụ cho mùa thuận.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.