Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng các chế định được xem là xương sống như cấm quảng cáo rượu bia, cấm bán rượu bia trên internet hay quy định giờ cấm bán bị đẩy ra ngoài làm cho những vấn đề đặt ra tại kỳ họp thứ 6 nhiều lần giải trình nhưng chưa thỏa đáng, thiếu thuyết phục.

leftcenterrightdel
Đại biểu Phạm Trọng Nhân 

“Chúng ta sẽ rất đau khi nhìn thấy sự giằng xé giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Và rồi cố đưa ra các chế định để phòng chống tác hại trong dự luật này” – ông Nhân nói và dẫn chứng một trong những quy định bị đẩy ra khỏi dự luật là cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet. Lắp vào điều trên, dự thảo đã chế định việc bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử, trong đó có quy định kiểm soát độ tuổi tiếp cận quảng cáo rượu bia.

“Thực trạng phổ biến độ tuổi tiếp tiếp cận Internet ngày càng trẻ hóa thì bỏ chế định trên có phải là vẽ đường cho hươu chạy? Thật lạ là báo cáo giải trình chỉ đề nghị cân nhắc điều cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các DN mà quên cân nhắc nguy cơ, tác hại đến trẻ em-  một đối tượng yếu thế của xã hội” – vị đại biểu đoàn Bình Dương băn khoăn.

Đại biểu này cũng đặt vấn đề: Điều kiện chưa đảm bảo, lại cho phép bán bia trên internet trong khi biện pháp kiểm soát không thể hữu hiệu thì đây là sự mâu thuẫn, cài cắm hay thiếu sót về kỹ thuật lập pháp.?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khap.

Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khap cho rằng tính khả thi của dự luật không cao. Tên là Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, nhưng trong luật không đưa nội dung phòng chống là gì, việc ưu tiên giáo dục, truyền thông không có.

Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đặt câu hỏi: Cấm quảng cáo rượu bia từ 15 độ trở lên, vậy dưới 15 độ thì sao? Cấm bán cho người dưới 18 tuổi, nhưng cách nào để kiểm soát, để biết người mua dưới 18 tuổi?

Việc này là tăng tính kích thích cho người dưới 18 tuổi. Bây giờ chúng ta vào các trang web, đặc biệt là các trang web đen, có hình ảnh và nội dung rất kích thích trí tò mò, kể cả người lớn chứ không chỉ trẻ em, và bao giờ cũng có câu “bạn đã đủ 18 tuổi chưa?”. Tôi chắc rằng từ người lớn tới trẻ em, ai cũng nhấp vào “tôi đã đủ 18 tuổi”, và sau cái 18 tuổi đó là gì thì tôi tin rằng ở đây “nhiều đại biểu đã có trải nghiệm đó”.

Đại biểu đoàn Gia Lai cũng cho rằng, tác hại của rượu bia phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người. Kể cả khi đo nồng độ cồn, cùng với lượng cồn đó nhưng không phải đưa lên máy đo đều có kết quả như nhau.

“Tôi cho rằng nên điều chỉnh lại quy định tính nồng độ cồn, vì có người chỉ uống một ly thôi cũng tắc thở rồi, nhưng có người uống 1 lít vẫn bình thường. Có thể một đứa trẻ uống vào không sao, nhưng một người trưởng thành uống vào có thể say.

Ví dụ như bản thân tôi, ngay từ khi còn bé, tôi đã được uống rượu rồi. Ở làng, bản của tôi, người ta cúng thì mình phải uống. Uống xong, tôi thấy bình thường, không làm sao. Đấy là một ví dụ rất thực tiễn mà bản thân tôi đã từng trải qua”- đại biểu Ksor H’Bơ Khap dẫn chứng.

Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến của đại biểu Ksor H’Bơ Khap và cho rằng dự luật cần điều chỉnh nhiều quy định, hoặc không nên bấm nút thông qua trong kỳ họp này./.

Xuân Hưng