Dù đã thực hiện hàng loạt các giải pháp “cứu” heo, nhưng đến nay thực trạng cung vượt cầu của thị trường thịt heo vẫn còn tồn tại. Giá heo bán tại trại hiện vẫn đứng ở mức thấp, từ 22-25 ngàn đồng/kg.
 
Đến nay, tình trạng tự giết mổ heo bán lẻ đã khá phổ biến, tập trung nhiều tại địa bàn huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa, cho biết: “Thời gian qua, lợi dụng hoạt động “giải cứu” heo, nhiều hộ chăn nuôi, lò giết mổ đã tiến hành giết mổ tự phát khiến cho việc quản lý giết mổ lậu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động này diễn ra rải rác, trong đó phường Long Bình và Trảng Dài là những điểm nóng”.
 
Cũng theo ông Phước, hiện Biên Hòa còn nhiều lò giết mổ không phép, dù đoàn kiểm tra đã có nhiều biện pháp xử lý nhưng những cơ sở này vẫn cố tình tái phạm. Sắp tới, TP.Biên Hòa sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra hoạt động giết mổ, sớm giải quyết dứt điểm những lò giết mổ lậu trên địa bàn.
 
Biên Hòa cũng đề nghị nên cắm các biển báo chỉ dẫn hướng vận chuyển gia súc để phòng chống dịch bệnh, hạn chế tình trạng đưa gia súc vào trung tâm, các khu vực dân cư để giết mổ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Hiện tại, việc cắm biển này đã được áp dụng để kiểm dịch gia cầm.
 
Tại cuộc họp báo cáo về tình hình quản lý chăn nuôi và sắp xếp giết mổ trên địa bàn tỉnh ngày 16-6, ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, nêu ý kiến: “Việc quản lý hoạt động giết mổ thời gian qua còn gặp khó khăn. Vì trong chiến dịch “giải cứu” heo, việc giết mổ tự phát, không có giấy phép vẫn còn tồn tại".
 
Ông Cường cho biết, huyện Thống Nhất đã có những biện pháp kiểm tra, vận động người chăn nuôi đưa heo vào giết mổ ở các điểm tập trung đã được cấp phép và mở 2 cửa hàng bán thịt heo bình ổn giá. Huyện kiến nghị tỉnh bổ sung thêm lò giết mổ ở khu vực Gia Kiệm, nơi tập trung sản xuất giò chả nên có nhu cầu lớn về thịt heo để hạn chế tình trạng giết mổ không phép.
 
Đại diện của TX.Long Khánh cho rằng: “Về việc “giải cứu” heo, thị xã quán triệt phương châm hỗ trợ cho người chăn nuôi chứ không hỗ trợ cho tiểu thương. Các địa phương có điểm bán heo dọc đường thường xuyên kiểm tra, xử lý các tiểu thương vi phạm. Sản phẩm phải có dấu kiểm soát giết mổ, đảm bảo nguồn gốc, vệ sinh và phải được bày bán trên bàn, kệ, không được đặt dưới đất. Ngoài ra, địa phương cũng thực hiện gắt gao việc kiểm tra mỗi hộ tiểu thương về lượng heo tồn, bán trong bao lâu thì hết, tránh tình trạng một số hộ lợi dụng việc “giải cứu” heo để mua heo của người khác bán”.
 
Theo Bình Nguyên - Hải Quân (Báo Đồng Nai)
.