|
|
UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị chọn nhà đầu tư có năng lực để triển khai thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét. Ảnh: PV |
Theo đó, tại văn bản số 1041/UBND-ĐT ngày 23/3/2020 của UBND TP HCM về dự án xã hội hóa nạo vét trên địa bàn, UBND TP HCM ủng hộ chủ trương nạo vét, duy tu, nâng cấp sông Đồng Tranh và tuyến luồng Tắt Ông Cu – Tắt Bài đến sông Gò Gia theo hình thức xã hội hóa, tận thu sản phẩm sử dụng bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước. UBND thành phố đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong thi công để tiếp tục triển khai dự án.
Trước đó, ngày 2/8/2019 UBND huyện Cần Giờ, TP HCM có văn bản số 3392/UBND về việc “ý kiến triển khai dự án xã hội hóa nạo vét trên địa bàn TP HCM” gửi Sở GTVT thành phố kiến nghị tạm thời không chấp thuận triển khai dự án xã hội hóa nạo vét nhằm đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở đất rừng phòng hộ.
Theo đó, qua rà soát các tuyến sông thuộc các dự án Xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia về phía thượng lưu (tới lý trình 9,5km) theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước của Công ty Cổ phần đầu tư Hải Hưng Thịnh…
UBND huyện Cần Giờ có ý kiến như sau: Công tác xã hội hóa duy tu, nạo vét các tuyến luồng hàng hải là phù hợp với chủ trương, chính sách và pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, các tuyến luồng thuộc các dự án Xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia về phía thượng lưu (tới lý trình 9,5km)… có dấu hiệu sạt lở rừng phòng hộ Cần Giờ (xâm thực đất rừng).
Nhằm giảm nguy cơ sạt lở rừng phòng hộ Cần Giờ, UBND huyện Cần Giờ kiến nghị Sở GTVT thành phố tham mưu UBND thành phố có ý kiến tạm thời không chấp thuận triển khai dự án xã hội hóa nêu trên trong thời gian đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở (xâm thực) đất rừng phòng hộ trước khi chấp thuận thực hiện dự án nạo vét theo hình thức xã hội hóa.
|
|
Văn bản UBND TP HCM ủng hộ chủ trương triển khai dự án xã hội hóa nạo vét nhưng đề nghị chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến. Ảnh: PV |
Ngày 9/9/2019, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản số 3684/UBND-ĐT gửi Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam “về lấy ý kiến triển khai dự án xã hội hóa nạo vét trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”. Theo đó, đối với dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu, nâng cấp lòng sông Đồng Tranh và tuyến luồng Tắt Ông Cu – Tắt Bài đến sông Gò Gia theo hình thức tận thu sản phẩm sử dụng để bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước do Công ty TNHH Hải Hưng Thịnh làm chủ đầu tư đã triển khai thi công nạo vét (từ tháng 9-12/2016), khu vực thi công có dấu hiệu sạt lở, xâm thực đất rừng phòng hộ, do đó đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở ngành, địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở, xâm thực đất rừng phòng hộ Cần Giờ để làm cơ sở xem xét tiếp tục triển khai dự án.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Hải Hưng Thịnh phải thực hiện báo cáo khối lượng đã tận thu (thuộc địa bàn TP HCM) cho Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố để tính tiền cấp quyền khai thác, trong đó làm rõ tỉ lệ thu hồi cát, bãi đổ bùn để đổ lượng bùn đất còn lại (bãi đổ bùn được cấp thẩm quyền chấp thuận), thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với khối lượng đã tận thu trước khi chấp thuận cho đơn vị tiếp tục thực hiện dự án.
Trước đây, dự án xã hội hóa nạo vét đã được nhiều địa phương chỉ rõ rằng, cơ chế nhà đầu tư đề xuất dự án xã hội hóa, đổi lại được tận thu cát để đảm bảo chi phí và lợi nhuận, không xuất phát từ nhu cầu cần thiết và cấp bách là nạo vét luồng, mà chính là chủ đầu tư đã lợi dụng cơ chế để tiến hành khai thác cát.
Điều này khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi là vì sao ở cấp chính quyền địa phương kiến nghị tạm thời không cấp phép vì nguy cơ sạt lở rừng phòng hộ nhưng các cơ quan khác vẫn chấp thuận chủ trương, cho phép doanh nghiệp triển khai nạo vét? Liệu công ty Cổ phần đầu tư Hải Hưng Thịnh có phải là nhà đầu tư có năng lực? các phương tiện của Công ty Cổ phẩn đầu tư Hải Hưng Thịnh có áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong thi công để không ảnh hưởng diện tích đất, rừng, hoạt động sản xuất của người dân trong quá trình thi công?