Chiều 13/8, Trưởng Ban quản lí các chợ huyện Hoà Vang (TP Đà Nẵng) cho biết, lực lượng chức năng vừa kiểm tra và phát hiện 4 trường hợp tiểu thương bán hàng hóa cao hơn giá niêm yết.
Theo ông Đính, trước thông tin Đà Nẵng có thể áp dụng dự lệnh "cấm ra đường" toàn thành phố nếu hết tuần này dịch bệnh COVID-19 vẫn không giảm, những ngày qua người dân đi chợ mua thực phẩm dự trữ nhiều hơn ngày thường. Do đó, 2 ngày nay, ban quản lý đã liên tục tiến hành rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc mua bán tại các chợ trên địa bàn và sẽ lập biên bản xử lý ngay những tiểu thương lợi dụng dịch để bán hàng hóa cao hơn giá niêm yết.
"Qua kiểm tra mấy hôm nay, đa số các tiểu thương tại các chợ trên địa bàn huyện đều bán đúng giá, chỉ có 2 tiểu thương tại Chợ Miếu Bông (xã Hòa Phước) và 2 trường hợp chợ Túy Loan (xã Hòa Phong) bán giá cao nên đã bị Ban quản lý lập biên bản, thu thẻ tiểu thương và giấy đi đường của những người này. Trong ngày mai, anh em sẽ tiếp tục ra quân kiểm tra chặt chẽ việc bán hàng tại các chợ", ông Đính thông tin.
Theo ghi nhận, trước thông tin Đà Nẵng có thể sẽ áp dụng biện pháp mạnh để chống dịch, trong ngày 13/8, tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Đà Nẵng, giá các mặt hàng rau củ, thịt cá tại các chợ truyền thồng ở Đà Nẵng tăng "chóng mặt" so với những ngày trước đó, tuy nhiên vẫn không có đủ hàng cung cấp theo nhu cầu của người dân.
|
|
Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng vừa kiểm tra và phát hiện 4 trường hợp tiểu thương bán hàng hóa cao hơn giá niêm yết. (ảnh: HN) |
Tại chợ Mới (đường Hoàng Diệu, phường Bình Thuận Đông, quận Hải Châu), theo phần mềm quét mã QR của tổ bảo vệ vào chợ, đến 8h sáng 13/8 đã có hơn 1.100 lượt người vào chợ, đông gấp 2 lần so với những ngày trước đây.
Do lượng người vào chợ mua thực phẩm tích trữ quá đông, lực lượng chức năng phải đóng chốt kiểm soát vào chợ gần ngã tư đường Hoàng Diệu - Trưng Nữ Vương, không cho qua chốt để hạn chế tập trung đông người, chen lấn trong chợ.
Nguồn cung ứng thiếu, trong khi nhu cầu của người dân cao khiến giá của hàng hóa cũng tăng phi mã. Trong đó, giá các loại thịt, cá tăng khoảng 30-50% so với ngày thường. Giá rau cũ quả cũng tăng gaaos 2, 3 lần so với cách đây 2 ngày. Điển hình như rau muống giá 40.000 đồng/kg, tăng gấp 4 lần so với bình thường, chanh tăng giá gấp đôi, từ 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg,...
Tương tự chợ Mới, tại chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Đống Đa (quận Hải Châu), chợ Tân Lập (quận Thanh Khê),... nhiều sạp hàng bán thịt, rau, cá,... cũng hết sạch từ lúc 10h sáng.
Chị Nguyễn Thị Bé (trú quận Hải Châu) cho biết, hôm nay giá rau củ tăng gấp 3 so với ngày thường, nhưng chị đến chợ lúc 10h trưa thì vẫn không có để mua.
“Bó rau cải ngày thường chỉ khoảng 5 - 8 nghìn đồng thì nay là 15 nghìn đồng, có chỗ bán 20.000 đồng vẫn không có mua. Thịt cá gì cũng đều tắng giá gấp đôi cả. Tôi mới mua 2 kg thịt bò 700.000 đồng và 1 ký cá cá chim giá 250.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ khoảng 150.000 đồng. Biết là đắt nhưng vẫn phải mua để tích trữ cho 7 ngày sắp đến nếu thành phố cấm ra đường”, chị Bé chia sẻ.
Lý giải về việc tăng giá đột biến này, bà Hoa, 1 tiểu thương bán rau ở chợ Đống Đa cho biết, sở dĩ xảy ra tình trạng tăng giá là do khan hiếm cục bộ các mặt hàng thực phẩm, nhất là rau xanh vì chợ đầu mối Hòa Cường phải tạm dừng hoạt động do dịch COVID-19, khiến nguồn cung rau củ cho tiểu thương tại các chợ truyền thống bị thiếu hụt.
"Dù rau xanh từ Quảng Nam vẫn còn rất nhiều nhưng chợ đầu mối bị phong tỏa, thay đổi điểm tập kết khiến quá trình vận chuyển hàng hóa khó khăn, không đủ hàng để bán, cộng với nhu cầu mua tích trữ của người dân tăng cao khi biết tin thành phố có thể 'đóng cửa tuyệt đối' trong 7 ngày khiến thực phẩm khan hiếm và tăng giá", bà Hoa nói.