(BVPL) - Chiều 13/7, ông Phạm Tấn Xiếu, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết đã có kết quả thông tin về gạo giả ở tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, thông tin xuất hiện gạo giả là không chính xác. 
 
 
 
Ngay khi phương tiện truyền thông lan truyền thông tin một số hộ dân mua gạo tại cửa hàng bán gạo ở xã Hoà An (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nghi gạo giả, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các ngành chuyên môn và địa phương tiến hành kiểm tra, xác định nguồn gốc, chất lượng loại gạo trên. 
 
Đoàn kiểm tra đã đến hộ ông Nguyễn Khắc Hiếu (cư ngụ ấp Hòa Khánh, xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) - nơi xuất hiện thông tin gạo giả. Được biết, cách nay 2-3 tuần, vợ ông Hiếu là bà Nguyễn Thị Hồng Tươi đến cửa hàng gạo Thanh Thúy (phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) để mua 10 kg gạo loại IR50404 về sử dụng. Sau khi nấu ăn hết 4 kg, ông Hiếu nghi ngờ số gạo này bị làm giả nên lấy chảo rang thử thì bất ngờ gạo bị cháy đen, có khói bốc lên và bị xoắn cục lại. Ông Hiếu cho rằng số gạo này bị làm giả nên mang mẫu gạo còn lại đến một số cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp để nhờ kiểm định.
 
Tại nhà ông Hiếu, Đoàn kiểm tra đã tiến hành thực nghiệm như những lần trước với loại gạo nói trên. Sau khi rang gạo khoảng 20 phút, gạo chuyển sang màu đen những không có hiện tượng kết dính và không có hiện tượng khác thường. 
 
Đoàn kiểm tra cũng sử dụng phương pháp đối chứng khi tiến hành rang giữa loại goại nghi giả và một loại gạo khác của người dân đang sử dụng gần đó. Kết quả vẫn không thấy hiện tượng bất thường, cả 2 loại gạo không xuất hiện tình trạng kết dính lại với nhau.
 
Ngoài ra, để có căn cứ khoa học, Đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu gạo nghi giả của hộ ông Hiếu, mẫu gạo tại cửa hàng mà gia đình ông Hiếu mua và mẫu gạo của đại lý do cửa hàng này mua về bán cho hộ ông Hiếu để kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật thí nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ Đồng Tháp.
 
Kết quả kiểm tra cảm quan trước khi nấu đều có tính đặc trưng của gạo; tiến hành kiểm tra hàm lượng lipid, protein, gluxit xác định, cả 3 loại gạo đã lấy mẫu và kiểm nghiệm đều là gạo thật.
 
Như vậy, thông tin gạo giả được lan truyền trên mạng internet là không chính xác. Các ngành chức năng ở tỉnh Đồng Tháp thống nhất đưa ra nhận định rằng thông tin về gạo giả như vợ chồng ông Hiếu cung cấp là không chính xác và gây hoang mang dư luận.
 
Thành Nguyễn
 
.