(BVPL) - Hiện nay, thị trường tiêu dùng thành thị đang rơi dần vào tay của các nhà đầu tư nước ngoài, tỉ lệ hàng hóa ngoại không ngừng gia tăng. Điều này khiến cho khu vực nông thôn càng có ý nghĩa quan trọng cho hàng Việt phát triển. Đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, thị trường nông thôn tiếp tục là thị trường giàu tiềm năng vì chiếm tới hơn 65% dân số với sức mua rất lớn.
 


Bên cạnh đó, các mặt hàng tiêu dùng như: xà phòng, dầu gội đầu, nước rửa bát… hay hóa mỹ phẩm và công nghệ thì hàng hóa trong nước cũng chiếm khoảng 90%. Rất nhiều thương hiệu trong nước đã chinh phục được người tiêu dùng như: bánh kẹo Bibica, Phạm Nguyên, Kinh Đô…

Tại các các gian hàng chợ Việt ở nông thôn, hầu hết các mặt hàng gia dụng và tiêu dùng của người Việt đều đông khách. Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng, một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất quần áo trẻ em, cho hay chính nhờ việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, công ty đã từng bước tạo dựng được thương hiệu của mình.

Ông Vũ Vĩnh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội thì cho biết, thực tế từ những phiên chợ tiêu dùng hàng Việt dành cho người Việt ở các vùng nông thôn cho thấy sức mua ở đây tốt và bán được hàng vì điều tra đúng nhu cầu tiêu dùng và sản phẩm được bán với giá cả khá hợp lý. Người dân nông thôn bây giờ thích mua hàng Việt và đa phần là các mặt hàng thông dụng như: muối, mắm, quần, áo...

Ghi nhận tại các cửa hàng tạp hóa ở các vùng nông thôn cho thấy, có đến 90% là các mặt hàng do người Việt sản xuất. Thực tế đã khẳng định, rất nhiều DN nghiệp Việt đã thành công trong việc xây dựng hệ thống phân phối tại các vùng nông thôn.

Mở rộng thị trường tạo thành “cứ điểm” của hàng Việt

Thị trường nông thôn hiện chiếm tới 70% dân số cả nước, chiếm hơn 50% tổng GDP. Việt Nam hiện có hơn 9.000 chợ và khoảng 700.000 cửa hàng, lượng hàng hóa tiêu thụ qua 2 kênh phân phối này vẫn chiếm khoảng 80% tổng lượng hàng hóa tiêu thụ. Người dân ở khu vực nông thôn hiện có nhu cầu mua sắm cao gấp 3 lần so với thành thị. Đây chính là một thị trường tiềm năng, do vậy nếu các DN chiếm giữ được các cứ điểm này thì chắc chắn sẽ thành công.

Tuy nhiên, việc đưa hàng hóa về nông thôn hiện nay vẫn còn mang tính chất mùa vụ. Cứ đến thời điểm đầu hè hoặc cận Tết thì hàng hóa mới được đưa về tới tấp, còn những dịp khác thì nhiều lúc người tiêu dùng muốn mua cũng không biết mua ở đâu, muốn kết nối với doanh nghiệp cũng chưa biết phải làm thế nào.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về thị trường, điều kiện mua hàng hóa tại các vùng nông thôn ở Việt Nam rất đơn giản, đó là sản phẩm của ai tới trước thì sẽ được bán và được tiêu dùng trước...

Điều này đồng nghĩa để thành công, các DN buộc phải đưa sản phẩm xuất hiện thường xuyên trên các quầy kệ để người mua nhìn thấy được. Việc tối kỵ trong bán lẻ là DN không được để “đứt” hàng. Đây cũng chính là chất lượng độ bao phủ của DN trên thị trường.


Theo Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội thì trước mắt các doanh nghiệp phải điều tra nhu cầu tiêu dùng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: nước mắm, bột canh, mì chính… Vì thực chất đây là những món hàng thiết thực nhất trong đời sống của người dân các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân phối cần có sự phân công, phối hợp, bày bán các mặt hàng có thế mạnh khác nhau thay vì một mặt hàng mà tất cả các đơn vị đều cung cấp.

Các DN cũng cần tranh thủ sức lan tỏa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhanh chóng có giải pháp chiếm lĩnh thị trường nông thôn đầy tiềm năng. Bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, khi tiếp cận người tiêu dùng ở nông thôn, DN được khuyến cáo cần mang đến những sản phẩm chất lượng tốt, tránh tình trạng hàng hóa đã đến được nông thôn nhưng không thể giữ được thị phần.
 

Hữu Bắc

.