Mua một điện thoại HTC 816G, giá 6.090.000 đồng, được tặng 6 lít xăng...

 

Khuyến mãi cho…con nít !

Một công ty kinh doanh điện thoại di động phát đi thông điệp như sau: “Mua một điện thoại HTC 816G, giá 6.090.000 đồng, được tặng 6 lít xăng”. Với chiêu thức khuyến mãi kiểu này, không khó để chúng ta có thể hình dung được kết quả tệ hại của doanh số bán hàng. Trước hết, “xăng” chẳng ăn nhập gì với điện thoại, lại khiến người mua phì cười vì mức độ ngớ ngẩn của chiến thuật; kế tiếp, trị giá tính theo tiền mặt chỉ khoảng 120.000 đồng, tạm xem như giảm giá... 2% - một con số gần như vô nghĩa, không mảy may tác động đến giá trị mua hàng.

Có ngân hàng rầm rộ quảng cáo: “Gửi tiền có kỳ hạn lãi suất hấp dẫn, lên đến 6,5%/năm! Hãy nhanh tay trong tháng Chín này để nhận được 1 chỉ vàng SJC cho mỗi 1 tỷ đồng tiền gửi!”. Rõ ràng doanh nghiệp tài chính này đang xem khách hàng của mình như những đứa trẻ lam lũ ham vàng, bởi chẳng ai đầu tư một tỷ đồng để nhận món quà “hấp dẫn” trị giá …3,4 triệu đồng cả. Ngoài ra, người có tiền tỷ nhàn rỗi hẳn không phải nhà nghèo, làm gì đói khát tới mức phải lặn lội đi tìm kiếm 1 chỉ vàng (nhiều khi chỉ đủ trả tiền cho một bữa ăn). Nếu khôn ngoan, họ gom 100 phần quà thành một (tổng trị giá 10 cây vàng) và sau đó tiến hành sổ xố trúng thưởng với một giải duy nhất thì chương trình chắc chắn sẽ thu hút được đáng kể người... giàu. Trong trường hợp này, nếu là bạn (có tiền), bạn có mang đến lập sổ tiết kiệm với họ hay không?

Đầu mùa hè vừa rồi, một khách sạn 4 sao ở Nha Trang mới khai trương cũng làm một cái bẫy khuyến mãi này bằng quảng cáo như sau: “Giá giảm còn 3 triệu đồng một đêm phòng đôi. Nghỉ từ 3 đêm trở lên, sẽ có ô tô đưa đón tận sân bay Cam Ranh”. Người nghe chắc sẽ bật cười vì chi phí taxi từ Cam Ranh chỉ là 350.000 đồng/lượt. Họ bỏ ra 20 triệu đồng cho một chuyến du lịch 2 người thì họ có thèm 700.000 đồng không nhỉ? Lại nữa, nếu họ có hiểu biết về kế toán, họ có thể tính ra tỷ lệ tiết kiệm được là tới những… 3% cơ đấy.

Quảng bá nhằm… gieo phiền và xả rác!
 
Trong marketing hiện đại, các nhà vận hành chiến lược cho nhãn hàng thường nghiêng nặng về các hoạt động quảng bá (promotion) nhằm chiếm hữu tâm thức của khách hàng để kích hoạt hành động mua. Một trong những công cụ hiệu quả cực lớn là TVC (quảng cáo truyền hình) nhưng không nhiều doanh nghiệp kham nổi chi phí quá đắt đỏ cho một chiến dịch với giá trung bình cho mỗi lần phát 30” vào khoảng 65 triệu đồng (chưa kể phí sản xuất khoảng trên dưới 1 tỷ đồng cho một mẫu phát nhiều lần). Hiện nay chiếm sóng vẫn là các nhãn hiệu giàu nứt trứng như: Vinamilk, Tân Hiệp Phát, Alipas - Elisa, Toyota, Hyundai, Samsung… với ngân sách hàng năm cực lớn, kéo dài năm này sang năm khác. Một số công ty lớn nhắm vào quảng cáo và PR trên báo in và báo mạng, chạy banner và maketing online với các công cụ SEO, mạng xã hội, fanpage... Trong khi đó, các công ty cỡ vừa không có nhiều kinh phí dành cho quảng bá, đành chọn lối tiếp thị cổ điển là phát tờ rơi.

Giá sản xuất một tờ rơi chuẩn (A4 gấp 3) vào khoảng 2.000 đồng, cộng thêm chừng 200 đồng thuê người phát, là thông tin có thể đến được với khách hàng. Tuy nhiên, như lời anh Trần Hoàng, phụ trách sale của Công ty Địa ốc H.P ở Q.Tân Bình thì “hiệu quả thấp thê thảm. Phát ra 10.000 tờ rơi mà 2 tuần sau mới có được 5 cuộc điện thoại hỏi thăm dự án”. Nguyên nhân chính là các nhà tiếp thị (nhóm ngành bất động sản, điện máy, tín dụng, sức khỏe, đào tạo…) đang quyết liệt giành nhau từng mét vuông đường ở các ngã tư, xua “lính” phát tờ rơi vô tội vạ và tất nhiên tỷ lệ người quan tâm là không đáng kể. Xét về quản trị marketing, họ đã sai cơ bản ngay từ đầu bởi không xác định được khách hàng mục tiêu, lại tự rẻ rúng sản phẩm của mình thông qua lối tiếp cận có vẻ quá bình dân này.

Thấy “phong trào” phát tờ rơi đang phát triển rầm rộ, hàng loạt các dịch vụ khác như ẩm thực, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng nhanh… cũng ào ạt xuống đường và hệ quả chủ chốt là các ngã tư đầy giấy rác tờ rơi do người nhận được vội vã vứt bỏ, có khi trong bực bội. Một quán lẩu dê mới khai trương gần ngã tư Phú Nhuận cho nhân viên đứng tại ngã tư này phát tờ rơi ròng rã suốt một tuần mà quán vẫn ế bởi không phải người nào được phát thông điệp cũng thích thịt dê. Và vì lý do chủ yếu là người đi đường - đang trên đường về nhà - có thể sống ở tận Thủ Đức, Bình Tân, Q.12… thì việc gì họ phải mò đến Phan Đăng Lưu để ăn… dê? Cuối cùng, dê có còn là đặc sản nữa đâu mà thực khách phải lặn lội đi tìm.

Có anh kia về làm CMO (Giám đốc Marketing) cho một tập đoàn nước giải khát và nhận lương 10.000 USD/tháng. Điều đó là có thực, thậm chí lương tới 20.000 USD cũng có, vì nhân sự này, bằng đầu óc thông minh, có thể mang lại hàng triệu USD lợi nhuận và danh tiếng cho doanh nghiệp. Nhưng cũng có những vị làm giám đốc kinh doanh cho các công ty quy mô vừa chỉ nhận lương tối đa 10-15 triệu đồng/tháng, vì ngoài việc nghĩ ra các chiêu khuyến mãi “trẻ con” hay in tờ rơi để vứt tứ tung làm phiền bao nhiêu người, họ chẳng còn làm được gì hơn.

 

Theo NTD
 

.