(BVPL) - Tốc độ tăng tiền lương thực tế bình quân hàng tháng của lao động làm công hưởng lương giai đoạn 2010 - 2016 là khá nhanh với 12,59%. Tốc độ này cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng GDP và năng suất lao động. Đây là kết quả báo cáo nghiên cứu Xu hướng phân phối thu nhập và tiền lương ở Việt Nam do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) công bố.

 



Đáng chú ý, đa số các ngành đều có tốc độ tăng tiền lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động (vật tư kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo…). Những ngành có tốc độ tăng tiền lương thấp hơn tốc độ tăng năng suất là kinh doanh bất động sản, hoạt động dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm xã hội.

Nông nghiệp là ngành có mức lương và tốc độ tăng tiền lương thấp nhất trong các nhóm ngành với 10,9%, dịch vụ là ngành dẫn đầu về mức tiền lương và tốc độ tăng tiền lương với 12,03%. Công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng tiền lương danh nghĩa là 10,64%, trong đó hai ngành sử dụng nhiều lao động là dệt may và da giày có tốc độ tăng tiền lương danh nghĩa cao hơn cả. Tuy nhiên, mức tiền lương bình quân tháng của lao động trong những ngành này không cao (4,27 triệu đồng), thấp hơn tiền lương bình quân chung cả nước (4,42 triệu đồng).

Theo ông Vinh, những nhóm ngành có mức tiền lương thấp thì có tốc độ tăng tiền lương cao hơn do chịu sự điều chỉnh của tiền lương tối thiểu, các nhóm có tiền lương cao hơn mức tăng tiền lương cũng gắn với năng suất lao động hơn.

Báo cáo này cũng cho biết, hiện nay đang có sự chênh lệch khá lớn giữa tiền lương tối thiểu ở khu vực thị trường và tiền lương tối thiểu ở khu vực hưởng lương ngân sách (tiền lương cơ sở), lao động trong doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng tiền lương bình quân tháng khá nhanh, mức tiền lương ở khối này cũng cao nhất so với các loại hình sở hữu khác với 6,02 triệu đồng (hộ cá thể đạt 3,68 triệu đồng, tư nhân đạt 4,95 triệu đồng,  khu vực FDI đạt 4,56 triệu đồng).

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phân hóa thu nhập của các nhóm dân cư ngày càng tăng, chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người giữa nhóm 20% dân số giàu nhất và nhóm 20% người nghèo nhất ngày càng nới rộng từ 8,1 lần năm 2002 tăng lên 9,8 lần năm 2014. Tốc độ tăng thu nhập của nhóm giàu tăng nhanh hơn nhóm nghèo, người giàu hưởng lợi nhiều từ tăng trưởng kinh tế, thành quả của tăng trưởng kinh tế được chia sẻ không đều, có lợi hơn cho nhóm giàu, làm tăng chênh lệch giàu nghèo.

TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện KHLĐ và XH nhận định, trên bình diện tổng thể với mức tiền lương như hiện nay là không đủ sống kể cả ở khu vực nhà nước và doanh nghiệp. Ông Dũng cho rằng, cùng với cơ chế thị trường thì sức ép về các nhu cầu trong cuộc sống cũng lớn hơn. Do đó, nếu vẫn áp dụng mức lương tối thiểu như trước thì sẽ không còn phù hợp.

Chuyên gia cao cấp về Quan hệ Lao động của ILO Việt Nam, ông Yoon Youngmo khuyến cáo, tốc độ tăng lương và mức độ phức tạp ngày một gia tăng của nền kinh tế cũng đồng nghĩa với việc lương tối thiểu không còn là công cụ hữu ích như trước đây để áp đặt xu hướng tiền lương cho người lao động được hưởng lương trong nền kinh tế chính thức. Cần phải có các cơ chế quy định lương hữu hiệu hơn. Những cơ chế này cần tính đến sự phát triển của thị trường lao động và đảm bảo rằng tăng trưởng lương phải phù hợp với tăng năng suất lao động. Tăng lương mà không tăng năng suất lao động chắc chắn sẽ làm cho Việt Nam mất đi sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
 

Trần Mai

.