Các chuyên gia y tế cho rằng, ngộ độc thuốc Đông y hiện nay cũng ở mức báo động không kém vấn đề ngộ độ thực phẩm.

 

 

Đông dược hay độc dược?

 

Trao đổi với PV, TS Hưng cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ngộ độc cho người bệnh khi dùng thuốc Đông y là những tồn dư hóa chất lưu huỳnh, phốt pho, thủy nhân… dùng tronng bảo quản, chế biến thuốc, chống ẩm mốc.

 

Nói về tác hại của việc dùng thuốc Đông y kém chất lượng, TS Hưng nhấn mạnh: “Ngộ độc asen từ việc dùng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc thêm hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều người đang tin dùng các loại thuốc đông “dởm” để tự chữa bệnh”. Asen là một kim loại nặng rất độc, khi vào cơ thể gây ra những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm như ung thư bàng quang, gan, thận, ruột, da... làm rối loạn di truyền như đột biến gen và dẫn đến tử vong. Cơ chế hấp thu asen vào cơ thể không như chì (chì hấp thu vào máu, vào xương) nhưng asen hấp thu vào cơ thể lại được đào thải ra phần lớn trong vòng 1 tuần, nhưng như thế cũng đủ để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến chức năng cơ quan nội tạng như tim mạch, tiêu hóa, sinh sản…

 

Đặc biệt là nhiễm asen mạn tính liều thấp trong thời gian dài sẽ dẫn đến những tổn thương mạn tính của các hệ cơ quan và dẫn đến những biến chứng nặng nề như vàng da, suy gan, thiếu máu, bệnh hạch to (u lympho)…

 

Dưới góc độ Y học cổ truyền, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội cho rằng, ngộ độc thuốc Đông y có thể do độc tố tồn tại trong chính bài thuốc, bởi thuốc Đông y có nhiều nguồn gốc: Động vật, thực vật, côn trùng, khoáng vật… mỗi loại có thể có tới hàng nghìn vị, trong đó một số vị thuốc bản thân trong nó đã chứa chất độc (ví dụ như mã tiền dùng sai liều lượng có thể gây chết người). Do đó, khi sử dụng thuốc Đông y, nếu không biết rõ về các vị thuốc, kết hợp sai vị, sai liều lượng, hoàn toàn có thể bị ngộ độc.

 

Mặt khác, ông Trung cũng cho biết thêm, trên thị trường hiện nay, một số cây vẫn được dùng thường xuyên trong các toa thuốc nhưng gần đây mới phát hiện được độc tính như cây Vòi voi, có chứa alcaloid pyrrolizidin (AP) vẫn có mặt trong các toa thuốc điều trị phong thấp, đau nhức, mụn nhọt. “Người ta tình cờ phát hiện độc tính khi theo dõi tình trạng chết hàng loạt cừu ở Australia vì ăn một loại lá có chứa AP. Kết quả nghiên cứu cho thấy AP gây hủy hoại tế bào gan, có thể gây ung thư gan”, ông Trung cho hay.

 

Ông Trung chũng nói thêm, gần đây nhất là thông tin cây Phòng kỷ (Aristolochia fangchi) có mặt trong thành phần bài thuốc Đông y giảm cân, đ-ược ghi nhận có độc tính trên thận, có thể gây ung thư do acid aristocholic có trong cây là dẫn xuất có liên quan đến cấu trúc nitrophenanthrene là chất có tính gây đột biến cho vi khuẩn và gây ung thư cho động vật thí nghiệm.

 

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người bệnh tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc Đông y trôi nổi trên thị trường hoặc lấy thuốc từ các cơ sở thuốc Đông y “chui”. Bên cạnh đó, người bệnh không nên sử dụng thuốc theo “lời mách”, bởi một số bài thuốc, vị thuốc dù giống nhau nhưng chỉ có công dụng với người này mà hoàn toàn vô dụng hoặc phản tác dụng đối với người khác tránh rước thêm bệnh vào thân.

Theo VietQ

.