Tuần cuối cùng trước Tết, thực phẩm tăng giá chóng mặt. Rau xanh tăng giá gấp đôi, gấp 3 lần. Các loại thịt gà, lợn cũng loạn giá theo ngày. Nguyên nhân tăng giá thực phẩm chủ yếu do trời rét, nguồn cung giảm và do người bán lẻ nghỉ bán về quê, tiểu thương tha hồ hét giá.

 


Gia cầm, đồ khô tăng giá theo ngày

Những năm gần đây, người dân có xu hướng mua gà thịt trước tết khoảng 1 tuần, tự nuôi nhốt đề chờ dư lượng thực phẩm tăng trọng còn lại trong gà tiêu hết. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, tiểu thương “hét” giá bán gà theo từng ngày. Tại chợ Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội), giá gà ta là 150.000 đồng/kg, tăng 20.000 -30.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp lên 90.000 đồng/kg; vịt 85.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Nhung, chuyên bán gà thả vườn tại chợ Linh Đàm (Hoàng Mai) cho biết, chủ yếu bán cho khách quen nhưng lượng đặt hàng tăng lên đột biến. Để giữ khách, gia đình chị phải tìm mua ở quê mới đủ. “Giá gà bán tại chuồng tăng lên nhưng tôi không dám tăng giá nhiều để giữ uy tín và mối quen. Gà bán được nhiều nhưng không lời lãi bao nhiêu”, chị Nhung nói.  

Các loại thịt lợn, giò chả cũng tăng giá từng ngày với mức tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Mức tăng giá tùy thuộc vào lượng khách mua hàng. “Càng đông khách mua, giá càng tăng thêm. Em muốn có hàng ngon, giá phải chăng, thì nên đặt trước. Càng về sát tết, giá cả thất thường, chất lượng không đảm bảo, vì người bán có tâm lý bán cho khách vãng lai”, chị Thủy, bán giò chả tại chợ Yên Phụ (Tây Hồ) tư vấn.

Nắm bắt nhu cầu mua dự trữ các mặt hàng khô như mộc nhĩ, nấm hương, miến… nhiều tiểu thương chợ đầu mối ở Hà Nội như Long Biên, Đồng Xuân, nói thách giá cao. “Lượng khách buôn, khách quen lấy hàng trước tết cả tháng. Thời điểm này chủ yếu là khách vãng lai, cả năm đến mua 1 lần, tôi bán giá cao bằng với giá bán ở các chợ. Năm nay, các mặt hàng chủ yếu nhập từ Trung Quốc, đóng trong bao tải rồi về chia nhỏ bán cho khách như mọi năm”, chị Lan, tiểu thương chợ Đồng Xuân cho biết.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán, người dân có truyền thống mua sắm, tích trữ hàng hóa khiến nhu cầu tăng lên. Nhiều người bán hàng (phổ biến ở chợ dân sinh) ép giá, đội giá tăng cao so với ngày thường. Để mua được hàng đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, người dân nên chọn các siêu thị, cửa hàng uy tín, điểm bán hàng bình ổn giá.

 

Theo Tiền phong

.