Nhiều luống rau muống, mồng tơi, dưa lê... được người nông dân tự trồng, không phun thuốc trừ sâu để phục vụ nhu cầu gia đình. Gần đây, nhiều khách hàng còn đến tận ruộng hỏi mua và chấp nhận giá cao hơn ngoài thị trường.
 


Chị Hiền có hai luống dưa lê trồng cạnh vườn đào. Vì dưa chín quả đồng loạt nên chị mang đến chợ gần đó để bán. Chị tự quảng cáo bằng chiêu ăn dưa không cần gọt vỏ ngay tại chợ và chỉ sau 15 phút, rổ dưa của chị hết sạch. Nhiều hộ dân gần đó biết dưa sạch còn gửi chị "để dành" cho lần sau nữa. Mỗi người ít cũng xách đến 3 cân, có khách mua một lúc cả chục cân dưa. "Không ăn hết thì mang đi cho họ hàng. Những giống dưa sạch, đảm bảo thế này mang cho người ta quý lắm", một người mua cho biết.

Nhiều người hỏi nhỏ "Sao bán dắt hàng thế mà chị không chăm tý thuốc cho nó lên nhanh? Một vụ cũng kiếm được kha khá mà lại chả mất công quảng cáo mời chào". Chị Hiền cho biết, bới vì tin nên người ta mới mua hàng mình. Nếu làm vậy một lần thì lần sau sẽ mất hết khách. Hơn nữa mình trồng trước tiên để mình sử dụng, những thứ này có thu lãi quanh năm đâu mà phải "bon chen".

Khi nào thu hoạch hết vụ dưa lê, chị mới dám phun thuốc ở cây đào: "Nếu có nhỡ bắn sang thì cũng không ảnh hưởng". Mùa nào thức nấy, hết vụ dưa lê, chị lại chuyển sang rau bí, mồng tơi, dọc mùng...Mỗi vụ chị chỉ trồng 1-2 luống rau, nhiều quá thì chị mang bán bớt. Đến khi trời vào thu, chị chuyển sang trồng hoa bách nhật, cho thuê địa điểm chụp ảnh.

Không chỉ có rau, các loại thực phẩm khác như thịt lợn, cá, tôm...nếu được giới thiệu rõ nguồn gốc đáng tin cậy thì đều mua nhanh, bán đắt. Những mẻ lưới đầy ắp cá ven Hồ Tây lập tức được khách qua đường trả giá cao vì độ tươi ngon "cá hồ 100%". Do đó, nhiều chủ buôn cũng mang cá ra ven hồ bán và quảng cáo "cá tươi Hồ Tây" vừa thả lưới để "câu khách". Thấy vậy, nhiều chị em nhiệt tình mua nhưng thực chất lại không phải cá Hồ Tây.


Theo Nhật An
VnExpress

.