Những ngày cuối năm 2014, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại thực phẩm được dùng phổ biến trong ngày tết sử dụng phẩm màu công nghiệp gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Điều đáng lo ngại, một số thực phẩm bẩn này được phát hiện bày bán tại các siêu thị trên địa bàn TPHCM.
 


Tại chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM), phẩm màu công nghiệp được rao bán không tới 10.000 đồng/100 g, cần bao nhiêu cũng có. “Khi làm mứt cho vô ít thôi nhưng màu đẹp và bền lâu” - người bán giới thiệu. Phẩm màu được đựng trong những bịch không nhãn mác. Chúng tôi thử bốc một ít bột màu vàng xem, lát sau chùi tay hoài không hết. Trên đường Phan Văn Khỏe (quận 5, TP.HCM), ông chủ một cửa hàng hóa chất khuyên chúng tôi nên mua bột màu công nghiệp vì vừa rẻ vừa làm được nhiều mứt. “100 g bột màu công nghiệp làm được một tấn mứt” - ông chủ giới thiệu.

Khó nhận biết bằng mắt thường

BS Huỳnh Văn Tú, khoa Dinh dưỡng-Vệ sinh an toàn thực phẩm (Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM - Bộ Y tế), cho biết phẩm màu dùng trong thực phẩm nhằm mục đích tạo ra hoặc cải thiện màu sắc của thực phẩm để bắt mắt hơn, gây chú ý cho người mua. Tuy nhiên, phẩm màu chỉ làm tăng cảm quan và hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng.

Phẩm màu thực phẩm có hai nhóm chính là màu tự nhiên và màu tổng hợp. Màu tự nhiên được chiết xuất từ các bộ phận của thực vật hoặc từ động vật. Còn màu tổng hợp là những hợp chất được tạo thành thông qua các phản ứng hóa học. “Phẩm màu tổng hợp được các cơ sở chế biến thực phẩm ưa chuộng vì rẻ tiền, màu ổn định và tươi hơn. Bằng mắt thường không thể nhận biết chắc chắn một loại thực phẩm có sử dụng phẩm màu tổng hợp, kể cả những nhà chuyên môn” - BS Tú nói.

TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết màu tổng hợp dùng chế biến thực phẩm chỉ an toàn trong một giới hạn sử dụng nào đó. Nếu sử dụng quá mức sẽ không tốt cho sức khỏe. “Người tiêu dùng chỉ nhận biết các loại phẩm màu được sử dụng trong thực phẩm thông qua các thông tin khai báo trên bao bì. Tuy nhiên, đối với một số thực phẩm không bao bì như heo quay, vịt quay, bánh kẹo, mứt truyền thống… thì không thể nhận biết loại phẩm màu đã sử dụng” - TS Đồng nhận định.

TS Đồng cho biết thêm hiện các loại bột màu được bán lẻ trên địa bàn TP.HCM không có xuất xứ rõ ràng nên khó tìm mua sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, không ít cơ sở sử dụng bột màu công nghiệp để chế biến thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng.

Không ít cơ sở nhỏ, lẻ sử dụng

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM (Sở Y tế TP), cho biết hiện việc quản lý phẩm màu công nghiệp gặp một số khó khăn. Cụ thể, theo Điều 3 Thông tư 27/2012 của Bộ Y tế, cấm sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng. Thực tế cho thấy không ít cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ, lẻ vì lợi nhuận đã cố tình sử dụng phụ gia thực phẩm sai quy định. “Muốn hạn chế tình trạng này cần tăng cường hoạt động lấy mẫu và xét nghiệm thực phẩm. Khi phát hiện sai phạm thì công khai xử lý và thu hồi nhanh sản phẩm sai phạm” - ông Hòa nói.

Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có quy định cấm kinh doanh phụ gia thực phẩm chung với hóa chất công nghiệp. Việc này gây khó khăn trong công tác quản lý vì không thể xử phạt cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp bán kèm phụ gia thực phẩm. “Bên cạnh đó, người kinh doanh phụ gia thực phẩm phải có trình độ nhất định về lĩnh vực này để hướng dẫn người mua sử dụng đúng hàm lượng” - ông Hòa kiến nghị.

Lạm dụng quá mức phẩm màu tổng hợp có khả năng gây ung thư. Ngoài ra độc tính của nó còn có thể ảnh hưởng đến thần kinh. Chưa hết, một nhà nghiên cứu về dị ứng ghi nhận màu nhuộm sử dụng trong thực phẩm có thể gây ra chứng hiếu động thái quá và các thay đổi hành vi ở trẻ em cũng như người trưởng thành.

BS HUỲNH VĂN TÚ, khoa Dinh dưỡng -Vệ sinh an toàn thực phẩm (Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM - Bộ Y tế)
 

Theo Pháp luật TPHCM

.