(BVPL) - Xúc xích, nem chua, nước mía... tại cổng các trường học, khu vui chơi cùng với các quán hàng ăn nhanh hay mọi người thường gọi là thức ăn đường phố mọc lên nhan nhản tại một số địa điểm như: công sở, bệnh viện, trường học, khu lễ hội... hấp dẫn nhiều thành phần, lứa tuổi vì tiện dụng, nhanh chóng, giá thành rẻ... Theo nội dung Thông tư số 30/2012, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với kinh doanh thức ăn đường phố: địa điểm, trang thiết bị, dụng cụ bày bán, đặc biệt là quy định người kinh doanh, chế biến thực phẩm phải được khám sức khỏe định kỳ hàng năm.
Chưa bị kiểm soát chặt chẽ
Qua các cuộc điều tra, khảo sát về tình trạng mất an toàn thực phẩm đối với nhóm thức ăn đường phố, ThS.BS Cao Văn Trung - Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP cho biết: Theo hệ thống giám sát về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia, hệ thống giám sát trong phạm vi cả nước thì, nhóm thức ăn đường phố được đánh giá là một trong những nhóm có nguy cơ rất cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, về công tác quản lý hiện nay, theo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm thì nhóm đối tượng này không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Do vậy, chưa được quản lý chặt chẽ cũng như chưa được giám sát một cách thường xuyên so với các nhóm đối tượng khác. Ở đây, chủ yếu là các nguy cơ về điều kiện, điều kiện của người cung cấp dịch vụ do khám sức khỏe, do hiểu biết về kiến thức, do quá trình thực hiện điều kiện về trang thiết bị, điều kiện môi trường khu vực tổ chức kinh doanh ở những địa điểm thường không có mái che, môi trường ô nhiễm do bụi bẩn; điều kiện trang thiết bị phục vụ bảo quản cũng bị hạn chế. Đặc biệt, giá thành của sản phẩm này cũng là một trong những nguyên nhân làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua khảo sát các hàng, quán, gánh hàng rong bán thực phẩm ăn nhanh như: xúc xích, nem chua, chè, nước mía... tại các trường học, khu vui chơi của trẻ em, bằng cảm quan cũng khó có thể đánh giá được thực trạng có đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thì, không thể khẳng định 100% là không đạt yêu cầu, nhưng nguy cơ tiềm ẩn thực phẩm mất an toàn là có và trên thực tế thì đã xảy ra rất nhiều các địa phương, cụ thể như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và cũng đã cảnh báo với nhóm phục vụ ở khu vực quanh các trường học. Muốn khắc phục tình trạng này thì không riêng gì các cơ quan chức năng, những người sử dụng dịch vụ này đó là phụ huynh của các gia đình nên hạn chế cho các cháu sử dụng các sản phẩm quanh khu vực trường học.
“Lỏng lẻo” quy chế giám sát khám sức khỏe của người chế biến
Trong các quy định về vệ sinh thức ăn đường phố có quy định về người kinh doanh, chế biến thực phẩm phải được khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Đây là một trong những quy định về điều kiện để tham gia dịch vụ này. Điều kiện con người ở đây thì ngoài quy định về tập huấn để được xác nhận kiến thức về ATVSTP ra thì còn phải kiểm tra sức khỏe. Vì nếu một người yếu bị các bệnh truyền nhiễm mà không được kiểm tra, kiểm soát hàng năm thì rất nhiều bệnh được chỉ ra là do tiếp xúc với thực phẩm của người mang mầm bệnh, do vậy đây là quy định bắt buộc.
Tuy nhiên, theo khảo sát quy định này có vẻ mơ hồ với cả khách hàng, và người kinh doanh chế biến thực phẩm đường phố. Người kinh doanh thì cho rằng, với phương thức kinh doanh tự phát của mình, yêu cầu khám sức khỏa định kỳ là khái niệm mơ hồ. “Thực ra chúng tôi không biết quy định về việc khám sức khỏe định kỳ, khám để làm gì, khám để ai kiểm tra, bởi tôi hôm nay bán bánh mỳ, ngày mai bán trứng ngải cứu, tùy vào thời tiết, mùa vụ để phục vụ khách hàng nên không phải kiểm tra”. Trong khi đó, khách hàng thì hoàn toàn không biết tới quy định này, họ thản nhiên sử dụng thực phẩm đường phố bởi lí do “tiện lợi, hấp dẫn và giá rẻ”.
ThS.BS Cao Văn Trung thừa nhận, ở góc độ của người quản lý chúng tôi đã thực hiện khám sức khỏe để tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh thuận lợi. Chúng tôi đưa mức độ khám sức khỏe và chỉ yêu cầu tuyến y tế quận, huyện có thể đảm nhiệm và xác định cần khám sức khỏe cho người phục vụ ở nhóm đối tượng này.
Thiết nghĩ, người tiêu dùng và đặc biệt là các cháu nhỏ không nên coi thường sức khỏe của chính mình mà đồng lõa với thức ăn đường phố. Mọi người chỉ nên ăn ở những hàng quán sạch sẽ, có tủ bảo quản thức ăn, thực phẩm chín và sống để riêng biệt, và điều quan trọng là người bán hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về VSATTP…
Tú Uyên