Thủ tục lấy lại tài sản khi cho mượn?
Cập nhật lúc 18:02, Thứ tư, 17/07/2013 (GMT+7)
Đại diện công ty đường 126 (Bộ Giao thông - Vận tải) hỏi: công ty đường 126 (trước đây là Xí nghiệp đường 126) được thuê 5.400m2 đất của Nhà nước tại xã Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội để sử dụng vào mục đích xây dựng xưởng sửa chữa xe máy và phương tiện thi công của xí nghiệp. Thời gian thuê đất là 20 năm, kể từ ngày 1/1/1996. Sau khi thuê và xây dựng nhà xưởng một thời gian, do tình hình sản xuất kinh doanh, một số gian nhà xưởng để trống, một số công nhân không có chỗ ở có đơn xin mượn để ở tạm. Lãnh đạo công ty đã xét duyệt cho mượn, khi nào công ty có yêu cầu về nhà xưởng thì người mượn phải trả lại.
Năm 2010, do phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho một doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, Giám đốc công ty đã gửi thông báo tới những người lao động đang mượn nhà, yêu cầu trả lại nhà cho công ty để công ty bàn giao phần diện tích nhà xưởng. Song cho đến nay, những người mượn nhà ở của công ty vẫn không chịu di dời để trả lại nhà.
Xin hỏi, người mượn nhà như vậy là đúng hay sai? Trường hợp họ nhất định không chịu di dời, công ty phải làm gì để lấy lại nhà?
Trả lời: Theo những giấy tờ mà công ty cung cấp, những gian nhà mà hiện một số người lao động của công ty đang ở nằm trong phần nhà xưởng được công ty xây dựng trên diện tích đất Nhà nước cho thuê. Theo hợp đồng thuê thì đất thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất; “Trong thời gian thực hiện hợp đồng thuê đất, bên thuê đất không được chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho tổ chức hoặc cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cho phép”.
Như vậy, việc công ty được thuê đất là để phục vụ sản xuất, không phải để làm nhà ở. Việc lãnh đạo công ty cho người lao động mượn làm nơi ở tạm là thể hiện sự linh động, cảm thông của lãnh đạo công ty để giải quyết những khó khăn trước mắt của người lao động. Nhưng về mặt pháp lý thì việc cho cá nhân mượn nhà xưởng để ở là không có căn cứ pháp luật, do chưa được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cho phép. Vì vậy, công ty cần phải lấy lại phần nhà này để phục vụ cho hoạt động sản xuất của công ty, nếu không còn có nhu cầu về nhà xưởng sản xuất thì công ty phải trả lại cho Nhà nước.
Lãnh đạo công ty cần phối hợp với tổ chức Công đoàn của công ty thuyết phục, giải thích rõ cho người mượn nhà biết về nghĩa vụ trả lại nhà đã mượn để họ hiểu và tự giác trả lại nhà, việc họ không chịu trả lại nhà đã mượn là vi phạm pháp luật. Trường hợp họ chây ỳ không trả, công ty có quyền đề nghị chính quyền địa phương can thiệp, ra quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế về hành vi sử dụng nhà trái phép. Thậm chí, nếu người mượn vẫn cố tình không trả lại nhà, người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sử dụng trái phép tài sản” nếu thoả mãn các yếu tố quy định tại Điều 141 BLHS: “Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm” (khoản 1).
Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự !